Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, đánh giá tốc độ tăng trưởng 4G giai đoạn đầu của Việt Nam rất ấn tượng. Dự kiến đến năm 2020, 67% thiết bị di động được tiêu thụ trong nước, tức khoảng 120 triệu máy, sẽ tích hợp công nghệ 4G.
Ông Nam cho biết, cũng như các nước đang phát triển khác, rất nhiều thuê bao di động ở Việt Nam vẫn đang sử dụng điện thoại cơ bản (feature phone) với kết nối 2G. Bên cạnh lý do giá smartphone còn cao so với thu nhập của không ít người, còn một nguyên nhân khác là người dùng đã quen với kiểu thiết kế điện thoại cũ có phím bấm vật lý.
Để thúc đẩy nhanh quá trình tắt kết nối 2G, đầu năm nay, Qualcomm đã cho ra mắt chipset 4G dành cho thiết bị feature phone. Mục tiêu của hãng là người sử dụng chỉ cần bỏ ra 30-50 USD cũng đã có thể sở hữu được một chiếc điện thoại cơ bản nhưng hỗ trợ 4G, cho phép họ duyệt web và truy cập các ứng dụng như mạng xã hội.
Singapore và Đài Loan đã tắt sóng 2G, khuyến khích các thuê bao sử dụng 4G, từ tháng 4/2017 và tháng 7/2017. "Tại Việt Nam, việc này chưa thể diễn ra trong vài năm tới vì có tới 40% người dùng vẫn sở hữu điện thoại cơ bản, nhưng các hãng viễn thông cũng đang nỗ lực chuyển đổi người dùng 2G sang 4G vì tiếp tục duy trì cùng lúc các kết nối 2G, 3G, 4G rất tốn kém", ông Nam nhận định.
Chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 ngày 27/7 tại Hà Nội, các chuyên gia cũng cho rằng chất lượng trải nghiệm 4G đóng vai trò quan trọng bởi nó sẽ là đòn bẩy, quyết định việc triển khai thành công kết nối 5G - hướng đi tất yếu mà các nhà mạng toàn cầu đang hướng tới.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và với băng thông rộng, tốc độ truyền tải lớn, mạng 5G có thể phục vụ cho đô thị thông minh, nhà thông minh, ôtô tự hành, chăm sóc sức khỏe... 5G hứa hẹn đem đến nhiều trải nghiệm vượt trội so với công nghệ 3G hay 4G hiện nay.