Bóng đá cũng như cuộc đời, đầy những nỗi buồn vui, không thiếu những toan tính lừa phỉnh, ngây ngô, nghiệt ngã. Có niềm vui bất chợt rồi thất vọng tràn trề. Có cái chết ở ngưỡng cửa thiên đường và cũng có sự hồi sinh từ địa ngục.
Có sự lạnh lùng của những nhà hiền triết và cũng có sự bao dung của đấng cứu sinh. Có cả sự yếu hèn và mạnh mẽ của các chiến binh. Và cuối cùng Euro năm nay lại tuân theo logic muôn đời của cuộc sống: Chiến thắng sau cùng luôn thuộc về kẻ mạnh nhất.
Ta cám ơn Hy Lạp đã giúp ta nhớ lại một ký ức khó quên của Euro 2004 khi các vị thần của họ bất chợt ghé thăm. Ta tiếc nuối cho Nga và Đức đã rời Euro trong thế không xứng tầm. Ta thất vọng Hà Lan đã tự đánh mất mình bằng lối đá bạc nhược hạ tầm những siêu sao. Ta nản lòng trước sự tắc tịt của Ronaldo rồi sau đó hài lòng với sự trỗi dậy của anh ta dù chỉ trong vài thoáng chốc.
Tuyển Tây Ban Nha đã đạt được cúp vô địch Euro 2012 |
Ta nghiêng mình thán phục chiến lược gia lỗi lạc Del Bosque, cha đẻ của đội hình 1-4-6-0. Người đã biến đổi phong cách Tiqui-taca, khiến nó trở nên huyền ảo hơn, khó đoán hơn và vô cùng mãnh liệt khi cần để hạ gục một đối thủ.
Ta kính nể Cesare Prandelli: người nhào nặn ra một đội hình rất lạ cho kỳ Euro lần này. Ông giúp những cầu thủ tưởng chừng đã qua thời sung mãn như Pirlo đột nhiên tỏa sáng.
Ông dang tay đón nhận những cầu thủ đầy tai tiếng và ngỗ ngược như Cassano, Balotelli rồi giúp họ trưởng thành hơn sau từng trận đấu. Mặc dù thất bại nặng nề trong trận chung kết gặp Tây Ban Nha nhưng Italia vẫn là đội bóng tạo nhiều cảm hứng nhất cho người hâm mộ.
Cuối cùng ta cảm ơn hai nhà nước đồng tổ chức Euro 2012 là Ba Lan và Ukraina đã làm tốt vai trò của mình cho chúng ta có cơ hội thưởng thức trọn vẹn một kỳ Euro có thể nói là hay nhất trong lịch sử các kỳ Euro.
Tạm biệt Euro! Tạm biệt những đêm ngày ăn ngủ cùng bóng đá! Và hãy giữ lại những cảm xúc tươi đẹp với trái bóng cho đến khi vòng chung kết World Cup 2014 diễn ra tại Brazil.
Trần Đức Khôi