Ở tuổi 74, NSND Trung Kiên cùng NSND Trần Hiếu, Tường Vy thuộc nhóm ít ỏi ca sĩ thuộc thế hệ kháng chiến đầu tiên còn lại. Nhiều năm không nên sân khấu, Trung Kiên vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động mỗi lần nhớ về thời lên đường theo tiếng kèn xung trận, mang tiếng hát phục vụ chiến trường.
Sau lớp đàn anh Trung Kiên, thế hệ F2 như NSND Quang Thọ, NSND Trung Đức, NSND Thu Hiền, NSƯT Hoàng Chè, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Bích Việt… tiếp tục sứ mệnh lên đường để phục vụ đồng bào và chiến sĩ tuyến lửa như: K. C. B, Quảng Bình, Vĩnh Linh, bên dòng sông Bến Hải. Nhiều năm sau hòa bình, những ca khúc nhạc đỏ từng được thể hiện bởi những giọng ca vàng vẫn in sâu trong lòng người dân Việt Nam.
“Một thời để nhớ” - đêm nhạc hội ngộ những ca sĩ nổi tiếng thời kháng chiến với những ca khúc hào hùng, sôi sục khí thế tòng quân. NSND Trung Kiên tha thiết, cháy bỏng với Tình ca (Hoàng Việt), NSND Quang Thọ hào sảng với Sông Lô (Văn Cao). NSƯT Bích Việt cất giọng hát trong veo cùng Nổi lửa lên em, Nhạc rừng, NSND Thu Hiền solo Lời người ra đi, NSND Trung Đức với Những ánh sao đêm… Đêm nhạc cũng giới thiệu lại cặp song ca vang bóng một thời Trung Đức - Thu Hiền với Người đi xây hồ kẻ gỗ, Vàm cỏ đông. Chương trình còn đánh dấu sự tái hợp của “Nhóm ngũ lão” gồm NSND Quang Thọ, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Hoàng Chè, NSƯT Quang Huy và NSƯT Thanh Vinh trong bài hát Cuộc đời vẫn đẹp sao.
Giử lửa cho những bài hát nhạc đỏ, Anh Thơ bằng giọng hát kỹ thuật khẳng định sức sống trường tồn của những ca khúc đi cùng năm tháng Mùa hoa đỏ, Khúc hát sông quê. Không sống trong thời khắc máu và hoa nhưng tiếng hát Anh Thơ đủ độ chín để truyền tải cảm xúc của ca khúc cách mạng đến với khán giả hôm nay. Với lối dẫn chuyện của MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng, “Một thời để nhớ” là khúc tráng ca tri ân những đồng đội đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, là nơi những cựu binh, những người trẻ cùng ôn lại truyền thống hào hùng nhân kỷ niệm 66 năm ngày thương binh liệt sĩ.
Huy Phạm