Đêm hội Long Trì xuất hiện lần đầu năm 1942 trên tạp chí Tri Tân. Tiểu thuyết dựa trên bi kịch gia đình nhà chúa Trịnh mà sử sách ghi lại. Không nệ sử, tiểu thuyết có sự phát triển các tuyến nhân vật khác biệt so với các trang văn học sử cùng thời.
Lấy chuyện tình cặp nhân vật Bảo Kim và Quỳnh Hoa, tác giả mở rộng sang những mối quan hệ khác như quan hệ thầy trò, bè bạn, cha mẹ - con cái, anh em, vua tôi... trong cuộc sống rối ren loạn lạc. Khi cái ác được đẩy lên đỉnh điểm thông qua thú tính của nhân vật "cậu giời" Đặng Mậu Lân, phía sau là âm mưu, thủ đoạn của tuyên phi Đặng Thị Huệ, thì cái thiện phải biết tập hợp, huy động sức mạnh để chống đỡ, chiến thắng theo kết thúc có hậu.
Tác giả dựng lên bức tranh xã hội thời phong kiến với nhiều vấn đề. Cuộc tranh ngôi đoạt vị dẫn đến kết cục tan nát gia đình nhà chúa. Hệ lụy của nó là sự an nguy của kinh thành, hưng vong đất nước. Tác phẩm cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của kẻ sĩ và người thi hành công vụ trước cái ác lộng hành. Đêm hội Long Trì được viết bằng cốt truyện mạch lạc, kịch tính, giàu chất thơ.
Tiểu thuyết dự báo ngòi bút có khuynh hướng lịch sử riêng biệt của Nguyễn Huy Tưởng, đồng thời đi vào nghệ thuật Việt với những lần chuyển thể sang chèo, cải lương, điện ảnh trong đó phim Đêm hội Long Trì được đánh giá là thành công.
Kỷ niệm 55 ngày mất tác giả Nguyễn Huy Tưởng, hai tác phẩm khác của ông cũng tái bản gồm: kịch bản Vũ Như Tô và truyện thiếu nhi Hai bàn tay chiến sĩ. Đây đều là tác phẩm đại diện cho hai thể loại sáng tác thành công của Nguyễn Huy Tưởng. Trong đó Vũ Như Tô là kịch bản kinh điển trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, dựa trên câu chuyện có thật (theo sử sách) về Vũ Như Tô - người Cẩm Giàng, Hải Dương - được vua Lê Tương Dực giao xây Cửu trùng đài. Còn Hai bàn tay chiến sĩ là tác phẩm viết cho thiếu nhi. Nhân vật chính có nguyên mẫu là chiến sĩ Nguyễn Văn Bẩm mà tác giả Nguyễn Huy Tưởng có dịp gặp gỡ trong Hội nghị Chiến sĩ Toàn quân năm 1952. Qua những ghi chép người thật, việc thật, tác giả dựng nên hình ảnh người chiến sĩ can trường, dù bị địch đốt hai bàn tay cũng không khai ra người đồng chí.
Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) là nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam. Ông tham gia nhóm Văn hóa Cứu quốc, trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc sau Cách mạng tháng Tám. Nguyễn Huy Tưởng là đại biểu Quốc hội khóa một năm 1946, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng phong phú, ông để lại nhiều tiểu thuyết như Đêm hội Long Trì, An Tư công chúa, Sống mãi với thủ đô, Lá cờ thêu sáu chữ vàng... Là nhà viết kịch tài ba, ông để lại nhiều kịch bản có sức sống lâu bền như Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Lũy hoa...
Lam Thu