Thứ năm, 25/4/2024
Thứ năm, 14/7/2022, 00:45 (GMT+7)

Đêm hoa đăng tri ân liệt sĩ trên sông Thạch Hãn

Quảng TrịHàng nghìn hoa đăng cùng bè hoa được cựu chiến binh, người dân khắp cả nước thả xuống dòng Thạch Hãn, tri ân các liệt sĩ.

Tối 13/7, kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972-2022), 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (1947-2022), UBND thị xã Quảng Trị tổ chức đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn nhằm tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Lễ tri ân diễn ra tại đài tưởng niệm trung tâm ở di tích quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị. Đầu chương trình, trời đổ mưa.

Cựu chiến binh Lê Hoa, 92 tuổi, tự mình bước lên các bậc thang ở đài tưởng niệm, thắp hương cho đồng đội đã yên nghỉ ở mảnh đất này.

Nhìn khung cảnh thành cổ Quảng Trị bây giờ, ông vui mừng vì thị xã khang trang, sạch sẽ hơn. "Ánh đèn sáng lung linh làm linh thiêng hơn nơi thờ tự các liệt sĩ", ông Hoa nói.

Sau lễ tri ân, tại bến thả hoa bờ nam sông Thạch Hãn, cách di tích thành cổ Quảng Trị khoảng 500 m, hàng nghìn cựu chiến binh từng tham gia bảo vệ thành cổ cùng lãnh đạo và người dân Quảng Trị dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh.

Các cựu chiến binh thả bè hoa và 20.000 hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn.

Cựu binh Lê Bá Dương (Trung đoàn 27 Triệu Hải) từng có bốn câu thơ về những đồng đội nằm lại dưới sông Thạch Hãn: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.

Sông Thạch Hãn nằm về phía bắc thành cổ Quảng Trị. Trong sự kiện 81 ngày đêm 50 năm trước, rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi vượt sông, chi viện cho chiến trường thành cổ. Ngày nay, ở hai bờ bắc và nam sông Thạch Hãn có hai bến để người dân, cựu chiến binh thả hoa, hương tưởng nhớ người đã khuất.

Dịp này, nhiều cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa và vui mừng gặp lại đồng đội. Cựu binh Nguyễn Tiến Sửu (trái, 74 tuổi) gặp lại người chiến đấu cùng chiến hào trong cuộc chiến trước kia. Ông Sửu hiện sống ở Hà Nội, còn đồng đội ở Thanh Hóa.

Cựu binh này rưng rưng nước mắt, thắp điếu thuốc rồi đặt vào một góc chi chít vết đạn ở cổng tây thành cổ Quảng Trị để mời đồng đội, sau đó đứng nghiêm trang chào. Tại vị trí này, 9 đồng đội của ông đã hy sinh.

Trong buổi chiều và tối cùng ngày, tại quảng trường Giải phóng, 300 nhà sư, tăng ni và phật tử tổ chức lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Chị Mai cùng 4 người chị em khác từ Vĩnh Phúc lần đầu tiên vào thăm mảnh đất Quảng Trị, mặc áo dài, hòa vào dòng người đến thả hoa đăng ở sông Thạch Hãn. "Cảm ơn các bác, đời đời ghi nhớ công ơn hy sinh của các bác", chị Lê Thị Mai (phải) nói.

Để hỗ trợ các cựu binh thả hoa đăng, hàng chục đoàn viên, thanh niên thị xã Quảng Trị được huy động thắp nến.

Từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Mỹ cùng quân lực Việt Nam Cộng hòa rải xuống thành cổ và thị xã Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn nhằm tái chiếm thành, gây sức ép trên bàn đàm phán Paris, khiến nơi đây trở thành mảnh đất đau thương nhất trong kháng chiến chống Mỹ.

Đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn
 
 

Đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn. Video: Hoàng Táo

Hoàng Táo