![]() |
Các loại thuỷ, hải sản thu hút đông khách hàng. |
Bà Hương cho hay, vì lo ngại dịch bệnh của gia cầm có thể lây sang người nên gia đình bà quyết định "tẩy chay" món thịt gà, ngan, ngỗng. Mâm cỗ truyền thống trong đêm 30 Tết có đĩa thịt gà trống cũng phải thay đổi theo. Bà Hương rất coi trọng mâm cỗ trong đêm giao thừa nên sự thay đổi khiến bà không vui. "Cúng gà đã là phong tục của người Việt Nam nên tôi đắn đo mất mấy ngày mới quyết định đổi món. Không có gà thì đành dùng thịt lợn, cái chính là mình thành tâm với tổ tiên", bà Hương nói.
Nhiều gia đình cũng cho biết sẽ bày chiếc thủ lợn, đĩa thịt lợn luộc hoặc khoanh giò... bên cạnh đĩa xôi gấc trong mâm cỗ giao thừa, chứ không có món gà như mọi năm. Ông Hưng, phố Khâm Thiên nhận xét, năm nay sẽ không có cảnh cả nhà bận rộn làm thịt gà để chuẩn bị cúng giao thừa, không còn được xem bói chân gà. Họ hàng ở quê mang lên biếu gia đình con gà, nhưng ông không dám mổ thịt bởi e dịch bệnh. Ông tính nuôi nhốt mấy ngày để xem chúng có khoẻ không thì mới làm thịt. "Tết này vẫn may mắn vì thịt lợn chưa bị dịch, chứ không biết phải cúng gì trong những ngày này", ông Hưng nói.
Trước Tết Giáp Thân, dịch bệnh từ các loại gia cầm bùng phát mạnh tại gần 20 tỉnh thành khiến nhiều gia đình ở Hà Nội không dám mua loại thực phẩm này ăn Tết, cho dù đó là món "khoái khẩu". Các bà nội trợ cho hay, đành phải "nhịn miệng" bỏ đi các món gà, ngan, ngỗng, chim... hơn là phải nơm nớp lo bệnh tật. Theo đó, trong mâm cỗ Tết của nhiều gia đình, các món thuỷ hải sản, thịt gia súc sẽ thay thế cho thịt gia cầm.
Theo quan sát của VnExpress, tại các chợ lớn trong thành phố như Hàng Da, chợ Hôm, Ngã Tư Sở..., khu vực bán gà rất ế ẩm. Lượng vịt, ngan, chim... tập trung tại các chợ này cũng rất ít, tuy nhiên, giá vẫn không rẻ: 37.000- 40.000 đồng/kg gà trống, 35.000 đồng/kg gà mái, 55.000-60.000 đồng/kg ngan. Theo một chủ hàng, do gà từ các tỉnh không nhập về chợ nữa nên số lượng bán rất ít, giá cao là tất yếu. Khác với gia cầm, các loại thực phẩm như thịt bò, cá, tôm... thu hút đông các bà nội trợ mặc dù giá khá cao. Tại chợ Hôm, thịt bò có giá 80.000 đồng/kg, chân giò 50.000 đồng/kg, tôm sú 250.000 đồng/kg...
Tại TP HCM, các loại gia cầm như gà, vịt, chim, ngỗng... đã bị cấm lưu thông, buôn bán trên toàn thành phố, heo ở miền Tây cũng đang lăn quay ra chết hàng loạt. Do vậy, các bà nội trợ đang đắn đo không biết mua gì chuẩn bị Tết cho gia đình. Một số gia đình cho biết, họ đành chọn món thịt lợn để cúng giao thừa, bên cạnh các loại hoa quả của phương Nam.
![]() |
Nhiều sạp vịt lạp bày bán công khai |
Tại nhiều chợ, thịt gia cầm vắng bóng, thịt heo và bò tuy không cấm, nhưng thông tin heo chết, bò điên cũng làm người tiêu dùng ngần ngại nên chỉ bán được lác đác. Trong khi đó, những loại thuỷ, hải sản lên giá từng ngày. Hải sản hạng nhất như: tôm, cua, mực, cá thu... tăng thêm 20.000-50.000 đồng/kg mà người bán cũng chẳng thiết tha chào mời. Những loại cá rẻ tiền như: cá nục, bạc má, chét, hường... tăng lên 20.000-25.000 đồng/kg thay vì chỉ 8.000-10.000 đồng/kg như năm trước.
Trong lúc mọi người tẩy chay các món ăn chế biến từ thịt gia cầm tươi, thì vịt lạp (thịt vịt khô) lại đắt khách. Trên đường Phùng Hưng và một số nơi trong khu Chợ Lớn, vịt lạp bày bán rất nhiều, giá dao động trong khoảng 40.000-60.000 đồng/kg. Vịt lạp đùi là đắt nhất, 60.000 đồng/kg, nhưng được người tiêu dùng chọn mua nhiều làm quà biếu. Theo một chủ sạp, vịt lạp đã được chế biến từ vịt sống cách đây 2-3 tháng, trước khi công bố dịch bệnh nên chất lượng có thể yên tâm. Song theo cơ quan chức năng, việc mua bán này cũng đã vi phạm lệnh cấm của thành phố, nhất là khi món đặc sản này lại chủ yếu được cung cấp từ miền Tây.
Đoàn Loan - Thiên Nguyên