PGS. TS, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nêu quan điểm trên ngày 15/1. "Số ca nhiễm hiện nay không chính xác vì tỷ lệ làm xét nghiệm PCR là rất nhỏ so với số ca mắc mới trong cộng đồng", ông Hiếu nói.
Ông dẫn chứng, tỉnh Bình Dương ngày 15/1 thông báo có 106 ca được phát hiện thông qua xét nghiệm khẳng định PCR, trong khi đó tổng số ca thu dung điều trị trong ngày là 391. Như vậy, số ca nhiễm phải nhập viện điều trị lớn hơn nhiều số ca được phát hiện thông qua xét nghiệm.
Hơn nữa, con số ca nhiễm hằng ngày "lại càng không có ý nghĩa dự đoán, tiên lượng mức độ dịch". Đơn cử theo Hướng dẫn của Bộ Y tế từ hồi tháng 10/2021, nếu địa bàn đã bao phủ vaccine mũi một cho 70% dân số trưởng thành (từ 18 tuổi), nếu có 150 ca nhiễm trở lên/100.000 dân/tuần thì sẽ được xếp vào cấp độ 3 (màu cam).
Tuy nhiên, theo công bố cấp độ dịch của Hà Nội hôm qua, có nhiều quận, huyện "loanh quanh" ở dưới 150 ca/100.000 dân/tuần, như: Tây Hồ (149 ca); Hai Bà Trưng (148 ca); Hoàn Kiếm và Đống Đa (147 ca).
Căn cứ tiêu chí phân loại cấp độ dịch hiện nay, những quận này được mở cửa hàng quán phục vụ khách tại chỗ. Trong khi đó, những quận, huyện có từ 150 ca nhiễm/100.000 dân/tuần trở lên trở lên (Long Biên - 150; Hoàng Mai -158) lại phải đóng cửa hàng quán, chỉ được phép bán cho khách mang về. Như vậy, dù chỉ chênh lệch nhau vài ca nhiễm, nhưng việc hạn chế các dịch vụ ở nhiều quận huyện đã khác nhau.
"Việc liên tục đóng - mở dựa theo số ca nhiễm hằng ngày gây khó khăn rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, bởi khó ai có thể thích ứng kịp. Hơn nữa, việc phân loại cấp độ dịch hiện nay còn đến tận cấp phường, nghĩa là có phường đóng cửa hàng quán, có phường lại được mở, khiến hiệu quả phòng chống dịch không cao", PGS Hiếu phân tích.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, bác sĩ Hiếu cho rằng "phân loại cấp độ dịch bệnh là cần thiết nhưng cần thực chất, phù hợp với từng giai đoạn". Đơn cử, hiện nay nỗi lo lắng nhất không phải là người bị nhiễm mà là những ca chuyển nặng không có giường hồi sức, cấp cứu (ICU). Vì vậy, ông Hiếu đề xuất chỉ nên lấy tiêu chí giường ICU (gồm giường, nhân lực, phương tiện đi kèm) còn trống của địa phương, để đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch.
Ông Hiếu cho rằng, Hà Nội tự phân loại ở cấp độ 2 (màu vàng) như hiện nay là hợp lý, bởi số giường ICU thực sự còn trống ở thành phố khoảng 20%. Nếu thời gian tới, tỷ lệ giường ICU trống của Hà Nội tiếp tục giảm, thì cần hai giải pháp, là nâng cấp độ dịch hoặc mở thêm giường ICU ở các bệnh viện có kinh nghiệm về hồi sức và đã từng vào Nam thời gian qua như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện E, Bệnh viện Trung ương quân đội 108...
Bác sĩ Hiếu cũng cho rằng, cách tính tỷ lệ tử vong/số ca nhiễm hiện nay không còn phù hợp. Việc giữ tỷ lệ tử vong thấp không phải là tính theo tỷ lệ ca tử vong/số ca nhiễm nữa (tính theo cách này, hiện nay tỷ lệ tử vong của Việt Nam là 1,8%). Ông dẫn chứng, ngày 14/1, tỉnh Bình Dương chỉ có 2 ca tử vong, nhưng nếu tính trên số ca nhiễm được phát hiện nhờ xét nghiệm (106 ca), thì tỷ lệ tử vong vẫn là 2%.
"Cần sử dụng và phân tích tỷ lệ tử vong trên số lượng bệnh nhân phải nằm giường hồi sức cấp cứu. Chúng tôi đang phấn đấu giảm tỷ lệ tử vong trong phòng hồi sức cấp cứu xuống dưới 50%. Trong đợt cao điểm của đợt dịch thứ tư, số ca tử vong trong phòng hồi sức cấp cứu là gần 90% ở các bệnh nhân thở máy xâm nhập", ông Hiếu nêu quan điểm.
Hiện nay, thành phố Hà Nội xếp loại cấp độ dịch bệnh các đơn vị hành chính trên địa bàn theo tuần, căn cứ vào số ca nhiễm cộng đồng, tỷ lệ tiêm vaccine và năng lực của hệ thống y tế. Trong một tháng qua, do số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao, hàng loạt quận huyện đã ít nhất hai đến ba lần thay đổi cấp độ dịch bệnh từ "vùng xanh" lên "vùng vàng", "vùng cam", hoặc ngược lại. Theo đó, hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu ở các quận, huyện này cũng nhiều lần phải "đóng, mở" tương ứng với diễn biến dịch.
Đơn cử, hai tuần trước, các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng... cấm bán hàng ăn uống tại chỗ nhưng tuần này đã cho mở cửa đón khách. Ở chiều ngược lại, quận Cầu Giấy trở thành "vùng cam" và siết chặt dịch vụ không thiết yếu.
Hiện thành phố không còn quận, huyện cấp 1 (màu xanh). Toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng).
Tương tự, dựa trên bộ tiêu chí của Bộ Y tế, ngày 8/1, toàn thành phố Hải Phòng nâng cấp độ dịch lên cấp 4 (màu đỏ) và dừng hàng loạt dịch vụ. Tuy nhiên, gần một tuần sau, ngày 14/1, thành phố đã hạ cấp độ xuống màu cam và nới lỏng một số dịch vụ.
Từ đầu tháng 10/2021, sau khi Chính phủ ban hành quy định về thích ứng an toànCovid-19 và Bộ Y tế có hướng dẫn chuyên môn, các địa phương đã đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh dựa trên ba tiêu chí: Số ca nhiễm cộng đồng mỗi tuần; độ bao phủ vaccine; năng lực y tế.
Ngày 9/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ nguy cơ Covid-19, đảm bảo phù hợp với tình hình mới.
Chiều 13/1, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đơn vị này đang xây dựng bộ tiêu chí mới, trong đó chú trọng vấn đề ca bệnh phải nhập viện và số ca tử vong. "Tiêu chí mới sẽ không còn đánh giá quá quan trọng về tỷ lệ ca nhiễm cộng đồng. Bởi hiện nay việc điều trị ca nhiễm triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương", ông Sơn nói.
Quan điểm này của ông Sơn được nhiều chuyên gia ủng hộ.