Khi Microsoft công bố ý định tự làm một chiếc máy tính đầu tiên trong lịch sử của hãng năm 2012, nhiều công ty máy tính khác đã tỏ ra không hài lòng. Hãng phần mềm Mỹ là đối tác lớn nhất khi cung cấp hệ điều hành Windows cũng như bộ phần mềm văn phòng, ứng dụng quản lý... cho hầu hết các nhà sản xuất máy tính trên thế giới. Việc Microsoft tự làm phần cứng tạo ra các lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh.
Nhưung trong động thái gây bất ngờ đầu tuần này, Dell cho biết bộ phận bán hàng của hãng sẽ bắt đầu bán ra cả Microsoft Surface Pro 3 cũng như các dịch vụ liên quan đến khách hàng là doanh nghiệp lớn. Thỏa thuận này là chiến thắng đầu tiên của Microsoft trong việc thuyết phục các đối tác của mình. Hãng phần mềm Mỹ cũng tiết lộ Hewlett-Packard cũng đang có ý định tương tự như Dell.
"Phản ứng đầu tiên của tôi là sốc và bất ngờ dù đã làm việc trong ngành PC trong suốt 25 năm qua", ông Patrick Moorhead, nhà nghiên cứu của Moor Insights & Strategy phát biểu. Đây là phản ứng dễ hiểu bởi Dell cũng có các sản phẩm máy tính bảng tương tự Surface của riêng mình. "Điều này thực chất chẳng khác gì việc trung tâm đồ thể thao của Nike đồng ý bán hàng Adidas", The New York Times bình luận.
Tuy nhiên, theo Kirk Schell, Phó chủ tịch mảng giải pháp khách hàng thương mại của Dell cho rằng Dell cũng hưởng lợi từ việc này. Ông cho biết các khách hàng doanh nghiệp của Dell thể hiện sự quan tâm đến Surface và việc Dell bán sản phẩm này sẽ giúp mở rộng danh mục đầu tư khi kiếm thêm được lợi nhuận từ các dịch vụ hỗ trợ, giải pháp khác.
Microsoft Surface có doanh số khởi đầu không tốt nhưng đã có những khởi sắc gần đây khi bắt đầu xuất hiện trên các cửa hàng bán lẻ. Doanh số năm tài chính 2014 của sản phẩm này là 3,6 tỷ USD trong đó có 1 tỷ USD đến từ khách hàng doanh nghiệp. Đây là con số khá nhỏ bé so với Apple bởi chỉ trong quý gần nhất, iPad dù chưa ra mắt sản phẩm mới vẫn có doanh số 4,5 tỷ USD.
Tuấn Hưng