Ngày 11/5, ông Lê Thanh Bình, Chánh văn phòng UBND quận Nam Từ Liêm, cho biết dự án xây quảng trường đang trong giai đoạn lên ý tưởng và kiến nghị thành phố phê duyệt chủ trương nghiên cứu.
Dự kiến "Quảng trường Văn hóa - Thể thao Thanh niên" đặt tại ô đất 5B2, đối diện sân vận động Mỹ Đình với quy mô hơn một ha, bao gồm hạng mục cây xanh, không gian đi bộ. Hiện xung quanh ô đất này là đường giao thông, cây xanh.
"Xây dựng quảng trường sẽ tạo thêm không gian sinh hoạt cho người dân, kết nối với các công trình thể thao ở đây như sân vận động, đường đua F1", ông Bình nói.
Trước đó, phát biểu trong cuộc làm việc với quận Nam Từ Liêm ngày 7/5, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng diện tích quảng trường trên số dân của thành phố rất thấp, trung bình khoảng 0,02 m2 mỗi người, do vậy việc xây dựng thêm quảng trường cần thiết. Tuy nhiên, khu đất quận Nam Từ Liêm đề xuất xây dựng quảng trường do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, do đó các bên liên quan "sẽ phải cân nhắc".
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết Bộ đã nắm được thông tin đề xuất xây quảng trường, nhưng chưa nhận được văn bản từ thành phố Hà Nội do vậy "chưa thể có ý kiến chính thức".
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội kiến trúc sư Hà Nội, quảng trường là không gian công cộng không thể thiếu trong quy hoạch đô thị, với công năng làm nơi sinh hoạt chính trị, mít tinh, vui chơi, biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Khu vực trước cổng sân vận động Mỹ Đình có diện tích rộng thoáng, gắn kết với hệ thống đường giao thông, nên dù chưa có tên gọi nhưng lâu nay đã được coi như quảng trường.
"Dành thêm một khoảng đất để xây dựng quảng trường, định danh nó, để người dân có nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa thì bất cứ ai cũng ủng hộ. Tuy nhiên địa phương cần công khai rõ quy hoạch khu vực phụ cận và kinh phí đầu tư, đảm bảo dự án vì cộng đồng", ông Ánh nói.
Hà Nội hiện có một số quảng trường, như: Quảng trường Ba Đình, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quảng trường 1/5 ở cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô và quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Tất Định