Sáng 1/8, tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất giao Bộ Xây dựng chủ trì lập đề án nêu trên, trình Thủ tướng phê duyệt. Để có cơ sở lập đề án, ông Nghị đề nghị các địa phương báo cáo số liệu trong tháng 8.
Bộ trưởng Nghị cho rằng cần sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Thuế để quy định cụ thể về điều kiện thụ hưởng; quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án; cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Chính sách nhà ở cho công nhân cần tách riêng để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển nhà lưu trú ở khu công nghiệp.
Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, lập, công bố danh mục chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Ông Nghị cũng chia sẻ kinh nghiệm một số nước tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công, giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc có chính sách hỗ trợ chủ đầu tư, người dân thuê, mua nhà xã hội.
Thời gian qua, việc xây nhà xã hội gặp nhiều khó khăn, như thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán kéo dài, phức tạp hơn nhà thương mại. Dự án nhà xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn. Việc xác định giá trước khi bán, cho thuê, thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định khiến "kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp".
"Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư", ông Nghị nêu.
Các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích để cho thuê, chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm. Nhưng trên thực tế nhiều dự án không cho thuê được, căn hộ bỏ không, lãng phí, trong khi chủ đầu tư không thu hồi được vốn. Luật Nhà ở chưa cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã mua, thuê, thuê mua nhà xã hội, trong khi thực tế họ muốn mua, thuê cho người lao động thuê lại.
Trước đó phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thực tế đa số nước đều có chính sách nhà ở xã hội bằng các hình thức như cho mua và thuê mua. "Công nhân khi vừa bắt đầu làm việc thì không thể mua ngay được nhà ở nên phải có các chính sách như thuê mua, trả góp", ông nói.
Thời gian qua, toàn quốc đã hoàn thành 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, giúp hàng trăm nghìn hộ dân thu nhập thấp và công nhân được cải thiện nơi ở. "Đây là một kết quả đáng kể", Thủ tướng nói. Tuy nhiên, ông cho rằng quá trình triển khai chính sách về nhà ở xã hội mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của công nhân. Nhiều cơ chế, chính sách đã bộc lộ hạn chế, cần sớm được khắc phục.
"Vừa qua, tôi đến thăm công nhân nhiều địa phương thì nhiều khu nhà họ ở vẫn rất chật hẹp, khó khăn. Các chủ nhà trọ đã chia sẻ, nhưng các giải pháp cho vấn đề nhà ở công nhân còn tự phát, chưa triển khai bài bản, chưa đáp ứng yêu cầu về không gian, vệ sinh, môi trường", Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân, với quy mô 156.000 căn, tổng diện tích 7,8 triệu m2. Toàn quốc đang triển khai 401 dự án, quy mô 455.000 căn.
Về giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến tháng 7, đã có 41 địa phương báo cáo đang triển khai 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn 34.500 tỷ đồng.