Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Một trong những điểm lớn của dự thảo là thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Nhiệm vụ chính là sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại; nâng cao tính năng kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí trang bị kỹ thuật bảo đảm sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trong chiến tranh hiện đại.
Nghiên cứu, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ lưỡng dụng; chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại phục vụ phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, đặc biệt là các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược cũng là nhiệm vụ của tổ hợp.
Tổ hợp được Nhà nước ưu đãi xây dựng cơ chế thu hút, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, đặc biệt là vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược; tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng gồm các hạt nhân công nghiệp quốc phòng; cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; cơ sở công nghiệp quốc phòng khác; cơ sở công nghiệp động viên.
Bộ Quốc phòng đánh giá tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều loại vũ khí, khí tài mới. Trong đó chủ yếu là loại vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, tấn công an ninh mạng. Chiến tranh thông tin, an ninh phi truyền thống và tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp, dẫn đến sự thay đổi trong tác chiến.
Tình hình đó đặt ra yêu cầu đối với ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam cần có sự đổi mới trong chính sách, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại. Trong đó, Nhà nước cần cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù để thu hút, huy động cơ sở công nghiệp quốc phòng. Đây là tiền đề tạo lập chuỗi giá trị, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao năng lực sản xuất, duy trì đội ngũ của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt.
Nghị quyết 08/2022 của Bộ Chính trị nêu rõ cần tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại. Cụ thể, tổ hợp công nghiệp quốc phòng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phải đủ năng lực sản xuất, sửa chữa, vũ khí trang bị kỹ thuật góp phần hiện đại hóa quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Qua khảo sát quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Bộ Quốc phòng cho biết đều có tổ hợp công nghiệp quốc phòng theo nhóm chuyên ngành như tổ hợp công nghiệp hàng không - vũ trụ, tổ hợp đóng tàu quân sự. Việc chưa có quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng ở Việt Nam dẫn đến hành lang pháp lý không đủ mạnh để liên kết, hợp tác cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tổ chức, doanh nghiệp nhằm hình thành chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm mang tính đột phá.
"Do đó, việc xây dựng quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cần thiết nhằm hình thành và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tổ hợp trong tương lai", Bộ Quốc phòng đánh giá.