Trong dự thảo Báo cáo, đề nghị xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an an đề xuất luật mới này sẽ tách khỏi Luật giao thông đường bộ 2008 đang thực thi.
Theo đó, 7 nhóm nội dụng đưa vào xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông gồm: quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; quy định về đi đường bộ; thống nhất việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; quy định về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý; vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông...
Nêu lý do đề xuất xây dựng luật mới, báo cáo của Bộ Công an cho rằng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ phù hợp với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ chứ chưa có điều chỉnh chuyên sâu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong khi đó quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đang bị phân tán, chồng chéo, không có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan giao thông vận tải với cơ quan cảnh sát giao thông chưa rõ ràng, rành mạch.
"Vì thế, xuất hiện tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông mà không ngành nào chịu trách nhiệm chính", Bộ Công an nêu và cho hay hầu hết các nước trên thế giới lực lượng cảnh sát đều đảm nhiệm việc đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, kiểm tra kỹ thuật an toàn giao thông...
Đánh giá về đề xuất này của Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cựu tổng Cục trưởng, Tổng Cục đường bộ Việt Nam) nói: "Nếu xây dựng một luật riêng có thể cảnh sát giao thông phải ôm đồm quá nhiều thứ. Nhiều quyền sẽ mâu thuẫn với năng lực quản lý hiện nay của nhiều lực lượng khác". Hơn nữa với khối lượng công việc hiện nay, cảnh sát giao thông đang rất phải nỗ lực, thêm việc nữa sẽ "quá tải".
Ông Quyền cũng không đồng ý trước đề xuất đưa nội dung xây dựng, thiết lập các biển báo, quy định tốc độ, tổ chức giao thông vào Luật Trật tự an toàn giao thông vì sẽ mâu thuẫn với quy định chức năng nhiệm vụ của công tác quản lý hệ thống giao thông. Từ lâu nay, việc tổ chức giao thông, hệ thống biển báo từ khâu về đầu tư xây dựng cho đến suốt quá trình duy tu, bảo trì đường thì các đơn vị quản lý đường bộ thuộc Bộ Giao thông đảm nhiệm. Nay phía công an làm sẽ dẫn đến chồng chéo.
"Nếu như tất cả mọi công việc liên quan đến an toàn giao thông chỉ do một cơ quan, một ngành làm thì tính chất khách quan, sự giám sát sẽ không đầy đủ", ông Quyền nhấn mạnh và nêu quan điểm không cần thiết phải tách luật mà chỉ cần bổ sung các quy định cho mới vào Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Phân tích ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty Luật TAT Law Firm) cũng cho rằng Bộ Công an đang phải đảm nhiệm quá nhiều công việc, gánh vác trách nhiệm nặng nề ở nhiều lĩnh vực nên việc xây dựng riêng một luật sẽ "làm tăng thêm áp lực và gánh nặng" cho lực lượng thực thi và đặc biệt là cảnh sát giao thông.
Theo luật sư, dù hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ hiện nay tuy chưa được bổ sung hoàn chỉnh, cập nhật mới nhưng phần nào đã phân công rõ chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị và xưa nay vẫn đang vận hành tốt. Vì vậy, không nên tách riêng thành Luật Trật tự an toàn giao thông mà chỉ cần bổ sung vào Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
"Nếu tách riêng, xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông thì có thể Cục Cảnh sát giao thông hiện nay phải nâng lên thành Tổng cục mới có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ", Luật sư nói.
Trước nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt việc lo ngại sẽ tăng thêm gánh nặng, thêm nhiệm vụ và quyền hạn cho cảnh sát giao thông, lãnh đạo Cục Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, Luật Trật tự an toàn giao thông xây dựng ra đời sẽ quy định cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ của từng bộ ngành, tránh chồng chéo và tránh trường hợp không đơn vị nào chịu trách nhiệm. Luật sẽ được xây dựng trên cơ sở các nội dung có sẵn trong Luật Giao thông đường bộ 2008 và nâng cấp các văn bản dưới luật để luật hóa.