Quan điểm được PGS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, đưa ra tại hội thảo góp ý đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, ngày 30/11.
Hiện danh mục bộ Bách khoa toàn thư gồm 38 quyển, dựa chia theo các lĩnh vực (Toán học, Cơ học; Vật lý học, Thiên văn học; Hóa học, Công nghệ hóa học; Sinh học, Công nghệ sinh học...), mỗi quyển chuyên ngành xác định 1.500-2.000 mục từ.
Là người tham gia soạn quyển Luật học, ông Điện lo cấu trúc tổng thể bộ sách này không ổn bởi "bức tranh cuộc sống đang bị đập vỡ thành nhiều mảnh ghép". Khi đó, sẽ có những từ ngữ, khái niệm trong cuộc sống không nằm trong bất cứ quyển nào và bị bỏ rơi.
"Cuộc sống là bức tranh tổng thể, Bách khoa toàn thư phải bao trùm tất cả, bất cứ từ ngữ nào quen thuộc đang hoặc từng được sử dụng phải có mặt. Bách khoa toàn thư cũng phải gồm cả từ chuyên môn lẫn phổ thông, bởi độc giả chúng ta xác định không chỉ giới học thuật mà cả giới phổ thông", ông Điện bày tỏ.
Theo đó, PGS Điện đề xuất ban chủ nhiệm tham khảo một số Bách khoa toàn thư ở nhiều nước. Họ sắp xếp theo thứ tự chữ cái với tất cả từ ngữ ở tất cả lĩnh vực, chuyên môn xen lẫn nhau. Ngoài ra, ông cũng đề nghị Ban biên soạn bổ sung nhiều lĩnh vực lớn nhưng không có trong bộ Bách khoa toàn thư.
Chuyên gia này ủng hộ việc mời cộng đồng tham gia biên soạn Bách khoa toàn thư thông qua Internet, bởi sẽ làm nguồn vốn từ ngữ, khái niệm một cách phong phú, bao quát cuộc sống.
Đáp lời, PGS Đinh Ngọc Vượng, Phó tổng thư ký Ban thư ký đề án biên soạn Bách khoa toàn thư cho biết, cách làm Bách khoa toàn thư của Việt Nam vẫn theo truyền thống nhưng khác với nhiều nước.
Phần lớn nước chọn cách biên soạn theo chiều dọc, nghĩa là xây dựng được cấu trúc vĩ mô (bảng mục từ của tất cả chuyên ngành) rồi biên soạn theo trình tự chữ cái từ A đến Z. Trong khi đó, Việt Nam đang biên soạn theo chiều ngang, nghĩa là tổ chức soạn theo các quyển với chuyên ngành khác nhau, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức trộn lại theo thứ tự chữ cái. Với cách làm này, Bách khoa toàn thư vẫn đảm bảo chưa đầy đủ đơn vị tri thức được sắp xếp theo thứ tự, tiện tra cứu.
Cũng theo ông Vượng, Bách khoa toàn thư không phải là bộ Từ điển tiếng Việt hay Từ điển bách khoa. Mục tiêu của bộ sách là góp phần nâng cao trình độ dân trí, trở thành công cụ học tập cho toàn dân.
Hiện khoảng 1.000 nhà khoa học tham gia biên soạn các quyển chuyên ngành của bộ sách, sắp tới sẽ lên tới 5.000-6.000. Khoảng 60.000 mục từ của bộ Bách khoa toàn thư đã được đưa lên mạng bktt.vn để cộng đồng khoa học tham gia biên soạn. Các mục do cộng đồng soạn sẽ được ban biên soạn chuyên ngành biên tập lại.
"Tiếp nhận công trình của cộng đồng cũng có những khó khăn riêng, bởi phải xác định thông tin trong đó có chuẩn xác hay không. Đôi khi, chỉ một mục từ không chính xác có thể làm hỏng cả bộ", ông Vượng cho biết.
Tháng 7/2014, Thủ tướng phê duyệt đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 35 quyển, nay là 38 quyển với hơn 70 ngành khoa học ở các lĩnh vực xã hội, nhân văn, tự nhiên, công nghệ, nghệ thuật, an ninh quốc phòng... Tháng 6/2020, tại cuộc họp về tiến độ đề án, phương án xây dựng nền tảng phần mềm mở, kêu gọi nhà khoa học, người dân tham gia xây dựng mục từ được đưa ra.
Tại hội thảo hôm nay, nhiều nhà khoa học đã phân tích các ưu và nhược điểm của việc mở cho cộng đồng cùng biên soạn Bách khoa toàn thư. Theo đó, khâu biên tập sẽ phức tạp hơn, nảy sinh vấn đề bản quyền, quyền tác giả với các mục từ...
TS Đặng Xuân Thành, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Phó chủ nhiệm thường trực đề án, cho biết hiện tài khoản cho cộng đồng tham gia biên soạn Bách khoa toàn thư được cấp cho các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên ở các đại học, học viện. Muốn có sản phẩm tốt, sắp tới phải thiết kế lại các quy tắc, quy định biên soạn ở cộng đồng.
Cũng theo ông Thành, làm Bách khoa toàn thư là quá trình, không giống như việc tạo ra sản phẩm đóng gói là xong nhiệm vụ. Hiện ở Việt Nam có nhiều chuẩn mực, tiêu chuẩn ở các lĩnh vực, ngành, thống nhất các tiêu chuẩn này không dễ. "Sản phẩm cuối cùng không nên kỳ vọng là chuẩn mực, thước đo cho mọi thứ", ông Thành nói. Ban chủ nhiệm đề án sẽ có sơ kết, báo cáo Chính phủ.