Tại hội thảo về phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội ngày 12/4, thạc sĩ Cao Hoàng Nam, điều phối viên Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) đề xuất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử đối với các công ty cung cấp nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Bộ này được xây dựng dựa trên Bộ quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu với bốn nhà cung cấp là Facebook, Twitter, Microsoft và Youtube.
Ông Cao Hoàng Nam đề xuất cần có bộ quy tắc ứng xử đối với các công ty cung cấp nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. |
Theo đó, các công ty công nghệ thông tin (CNTT) sẽ có quy trình xem xét thông báo liên quan đến thông tin thù hận, nói xấu bất hợp pháp. Khi nhận được báo cáo từ người dùng, công ty CNTT đối chiếu với quy định và pháp luật Việt Nam, loại bỏ thông tin bất hợp pháp trong 24 giờ hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập vào nội dung này nếu cần thiết. Ngoài ra, công ty CNTT hướng dẫn người dùng nhận thức về các nội dung trái phép thông qua hệ thống công cụ riêng.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá việc đưa ra bộ quy tắc ứng xử là hợp lý. Đây là hình thức kiểm soát thông tin mềm mại, dễ được chấp nhận trong bối cảnh khung pháp luật của Việt Nam còn nhiều khoảng trống về vấn đề này.
Theo ông, môi trường mạng đang bị vẩn đục bởi nhiều thông tin xấu gây thù ghét. Có một nghịch lý là người Việt Nam thân thiện, hiếu khách nhưng nhiều người dùng mạng đang khiến hình ảnh đất nước xấu đi, ví dụ kéo vào Fanpage của sao nước ngoài để "dội bom" bằng những bình luận khiếm nhã. Hay trong khi người nước ngoài nghe bài hát của Sơn Tùng MTP bình luận rất văn minh, nhưng "người mình" thì lại chê bai, công kích.
Với nguồn nhân lực hiện nay, Bộ không thể giải quyết được hết các yêu cầu, kiện cáo trên mạng xã hội, từ người bán hàng rong có email thắc mắc việc mất tài khoản Facebook đến nữ diễn viên gửi đơn thư đề nghị xử lý việc người yêu cũ nói xấu trên mạng. Hay như nhà báo Lại Văn Sâm gửi đơn thư về Cục kiến nghị xử lý các trang mạo danh ông để đăng những phát ngôn không kiểm soát.
"Việc ra bộ quy tắc ứng xử giúp giám sát, thanh lọc môi trường mạng nhờ sự chung tay của nhiều lực lượng", ông nói.
Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, bộ quy tắc nên hướng vào người dùng là chủ yếu chứ không chỉ hướng vào nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Nghiên cứu sinh Lê Thị Liên Hương cho biết, hiện nay các trang mạng xã hội đều có chức năng "thông báo vi phạm" cho phép người dùng báo cáo nội dung xấu, song việc xóa bỏ còn rất chậm.
Theo chị Hương, Việt Nam cần có những biện pháp mạnh tay hơn để xử lý việc này. Ở Pháp, một người từng bị xử phạt hàng nghìn Euro vì cho người khác đăng phát ngôn thù ghét trên trang cá nhân của mình. Những người có phát ngôn phân biệt sắc tộc, ủng hộ khủng bố còn bị phạt nặng hơn.
Một chuyên gia công nghệ cho rằng cần dựng lên hàng rào kỹ thuật ngăn chặn những phát ngôn thù ghét trong khi chờ bộ quy tắc được thực hiện. Hàng rào kỹ thuật trên là danh mục những từ ngữ cần hạn chế trao đổi và dùng màu sắc để xác định mức độ nguy hiểm: màu đỏ là những ngôn từ rất nặng nề, vàng là trung tính, xanh là cần xem xét. Thông tin nào có cụm từ này thì hệ thống sẽ cảnh báo người dùng, đồng thời trong một thời gian cực ngắn (vài phút) sẽ gửi đến email của cá nhân, doanh nghiệp thông tin xấu ảnh hưởng đến họ.
"Xuất hiện từ ngữ ở bảng màu đỏ thì chuyển thẳng cho Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý. Nếu chờ đợi vài năm nữa mới có thể ký kết hoặc đưa bộ quy tắc vào thực hiện thì khi đó cá nhân, doanh nghiệp đã mất rất nhiều giá trị khác", chuyên gia này nói.
Khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) cho thấy, có 78% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Ở Việt Nam, phát ngôn gây thù ghét lan tràn dưới nhiều hình thức, song nhiều nhất vẫn là phỉ báng và bịa đặt thông tin. 61,7% trong số đó từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin. Hiện, Việt Nam có hơn 35 triệu người dùng mạng xã hội (37% dân số) với thời lượng trung bình 138 phút mỗi ngày, cao hơn với mức độ trung bình toàn cầu 31%. |
Hoàng Phương