Đề xuất trên nêu tại dự thảo Thông tư về xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Theo đó, giá đất chi tiết đến từng thửa được xác định trên cơ sở đánh giá điều kiện đặc tính và xác định vùng giá trị thửa đất. Trong đó, đặc tính thửa đất được nhà chức trách đánh giá dựa vào mục đích sử dụng, vị trí, giao thông, điều kiện về cấp điện, thoát nước, quy hoạch xây dựng và hiện trạng môi trường, an ninh.
Còn vùng giá trị xác định dựa vào ranh giới quanh thửa đất, cũng như khoảng cách đến trung tâm hành chính, chợ, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí.
Sau khi thu thập các thông tin này, cơ quan quản lý sẽ chọn thửa đất chuẩn, lập bảng so sánh để xác định, phân tích giá đất trong vùng giá trị, cũng như chênh lệch với các thửa liền kề cùng mục đích sử dụng. Họ cũng khảo sát, lấy ý kiến người dân, giới chuyên môn về kết quả định giá này với lô đất tương tự đã giao dịch hoặc trúng đấu giá trên thị trường trong vòng 24 tháng. Việc này nhằm đưa ra giá chi tiết tới từng thửa đất một cách phù hợp, chính xác nhất.
Hiện tại, giá trong bảng giá đất của các địa phương được xác định theo vị trí tuyến đường. Ví dụ, tại quận Ba Đình (Hà Nội), giá đất trên đường Đào Tấn là 69,6 triệu; 34,8 triệu; 27,84 triệu và 24,36 triệu đồng mỗi m2 tương ứng với các vị trí lần lượt từ 1 đến 4.
Bảng giá đất được áp dụng khi tính lệ phí, tiền sử dụng và thuê đất, theo Luật Đất đai 2024. Đây cũng là căn cứ xác định giá khởi điểm đấu giá và thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất - cơ quan soạn thảo thông tư, tháng 6, Chính phủ ban hành Nghị định 71 về giá đất. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quy định chi tiết về xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất đến từng thửa. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về bảng giá đất đến từng thửa, nên theo cơ quan soạn thảo, việc ban hành thông tư trên là cần thiết. Việc này cũng nhằm phù hợp với Luật Đất đai 2024, thực tiễn quản lý đất đai.
Anh Tú