Tại hội nghị giao ban báo chí thông tin về kết quả năm học 2019-2020 và chuẩn bị cho năm học 2020-2021 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 7/7, thầy Khang cho biết giáo viên trường tư đang lo lắng về thời gian tựu trường của học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo kể từ năm học 2020-2021, học sinh trường công lập sẽ tựu trường vào ngày 1/9 và các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng (5/9) để học sinh được nghỉ hè trọn vẹn ba tháng (tháng 6, 7 và 8). Với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét sửa đổi thông tư 13 năm 2011 cho phù hợp hơn. Hiện, thông tư này cho phép trường tư thục được bổ sung thời gian học tập tối đa bốn tuần so với trường công lập, tức là có thể học trước bốn tuần.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét sửa đổi thông tư cho phù hợp hơn, có thể sẽ rút ngắn thời gian học trước của trường tư so với trường công. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giáo viên, phụ huynh, học sinh trường tư thục", thầy Khang nói, đề xuất trường tư thục vẫn được tựu trường trước trường công lập một tháng, tức ngày 1/8.
Ngày 8/7, chia sẻ rõ hơn về đề xuất của mình, thầy Khang khẳng định việc học sinh trường tư tựu trường sớm phù hợp với nhu cầu của phụ huynh, học sinh và giúp giáo viên ổn định cuộc sống.
Về phía phụ huynh, Hiệu trưởng trường Marie Curie cho biết hầu hết trường tư thục thông báo tới phụ huynh ngay trong hồ sơ hướng dẫn tuyển sinh về niên chế năm học, như trường Marie Curie là một năm học gồm 10 tháng (từ tháng 8 đến hết tháng 5 năm sau). Việc cho con thi rồi nhập học vào trường đồng nghĩa phụ huynh đã đồng thuận với niên chế năm học mà trường đề ra.
Trong những năm gần đây, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn cho con nghỉ hè 1-2 tháng và đi học sớm vì thuận tiện hơn cho công việc của họ, đồng thời cũng yên tâm hơn khi con không bị căng thẳng về khối lượng kiến thức. Hơn nữa, con được chăm sóc tốt hơn, nhất là học sinh nhỏ.
Thực tế cho thấy dù công khai năm học kéo dài 10 tháng, vẫn rất đông phụ huynh đăng ký cho con theo học. Như trường Marie Curie có tới hơn 1.000 học sinh trường tiểu học khác đăng ký cho con thi để tranh 100 suất vào lớp 6 của trường trong năm nay. Nhiều trường tư khác cũng tương tự. Theo thầy Khang, điều đó cho thấy nhu cầu của các gia đình rất lớn.
Về phía giáo viên, việc học sinh tựu trường sớm đồng nghĩa với thời gian nhàn rỗi của họ giảm, thu nhập ổn định hơn. Ví dụ ở trường Marie Curie, lương trung bình của giáo viên là 15 triệu đồng một tháng, người thấp nhất cũng 10 triệu đồng. Như mọi năm, học sinh nghỉ hè hai tháng, giáo viên không được hưởng lương. Nhà trường hỗ trợ mỗi thầy cô 3 triệu đồng một tháng, chỉ khoảng 1/5 so với mức lương các tháng khác.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường công lập tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8, tức là trường tư thục có thể tựu trường vào ngày 1/7 theo thông tư 13. Những năm trước trường Marie Curie cũng nghỉ hè hai tháng nên ảnh hưởng tới thu nhập của giáo viên không nhiều, nhưng với những trường tựu trường muộn hơn thì cuộc sống thầy cô sẽ rất khó khăn", thầy Khang nhận định.
Từ những phân tích trên, thầy Khang hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên quy định trong thông tư 13, cho phép trường tư được học trước bốn tuần so với trường công lập. Nếu có điều chỉnh, Bộ cần cân nhắc đến mức độ ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục tư thục này.
Do ảnh hưởng của Covid-19, năm học 2019-2020 kết thúc vào ngày 15/7, muộn hơn mọi năm một tháng rưỡi. Giáo viên đã có ba tháng không đến trường. Một số trường tư thục cố gắng xoay xở để trả đủ lương cho giáo viên. Phần lớn còn lại trả 1/2, 1/3 tổng số lương, thậm chí cắt hoàn toàn.
Đến năm học 2018-2019, cả nước có khoảng 600 trường ngoài công lập ở ba cấp tiểu học, THCS và THPT với gần 366.000 học sinh, hơn 131.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.