Ngày 21/11, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ông Nguyễn Mai Bộ - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho rằng, quá trình thẩm tra dự án luật, các ủy ban của Quốc hội cần "kiên quyết trả lại dự thảo không đảm bảo chất lượng".
Theo ông Bộ, các đại biểu đã phát hiện nhiều dự thảo luật chất lượng không bảo đảm, nhưng "khi chúng tôi góp ý, đề nghị tiếp thu chỉnh sửa thì gần như không được sự ủng hộ, đây là điều bất cập".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, các dự án Luật khi trình ra Quốc hội phải đảm bảo hai yêu cầu cơ bản về kỹ thuật lập pháp và không có sự chồng chéo, xung đột với luật pháp hiện hành.
"Quốc hội không thể đi sửa câu chữ, xem xét về ngữ pháp hay những vấn đề cơ bản về lập pháp; chúng ta cũng không thể thông qua những đạo luật mà khi ra đời sẽ đụng bao nhiêu luật khác", ông Nghĩa nói và cho rằng thực tế vừa qua có những dự thảo luật "đọc lên là thấy câu chữ không ổn, chưa nói tới những vấn đề khác".
Để đảm bảo chất lượng dự thảo Luật, ông Nghĩa hiến kế ban soạn thảo phải gồm hai nhóm chuyên gia về lập pháp và chuyên ngành. "Người am hiểu chuyên ngành nhưng câu chữ viết lên không áp dụng thành pháp luật được, đưa ra tòa không xử được thì chuyên gia lập pháp phải giúp ngay từ đầu để truyền tải nội dung chuyên ngành vào điều luật", ông Nghĩa nói.
Ngoài ra, ông đề nghị Quốc hội tăng số lượng đại biểu chuyên trách để dành thời gian xây dựng luật; chú trọng cơ cấu các ủy ban là phải gồm những đại biểu "biết việc và có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực mà ủy ban đó phụ trách".
"Nếu như Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các ủy ban, thấy dự thảo luật chưa đạt yêu cầu thì trả cho cơ quan soạn thảo và đề nghị làm lại; nếu cần thì chúng ta dời lịch, không thể vì lịch mà chấp nhận những dự thảo không tốt", ông Nghĩa nói.
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách thì đề nghị Quốc hội quy định các ủy ban - cơ quan thẩm tra, tiếp tục giữ vai trò tiếp thu ý kiến, bổ sung, chỉnh lý dự án luật (khi luật đã trình ra Quốc hội và được đại biểu thảo luận), thay vì "đổi vai" cho ban soạn thảo là các bộ, ngành.
Theo bà Mai, Chính phủ cho rằng giao ban soạn thảo chủ trì sẽ đảm bảo tính liên tục, song đây không phải là lý do, bởi theo quy định hiện hành thì vai trò của ban soạn thảo luôn hiện diện từ đầu cho đến cuối.
Ngoài ra, bà Mai cho rằng lâu nay nhiều doanh nghiệp, người dân trăn trở về tính cục bộ trong quá trình soạn thảo luật. "Vào Google, chỉ cần tìm cụm từ "tính cục bộ trong xây dựng pháp luật" thì sẽ ra hàng trăm bài viết", bà nói và phản ánh thêm, một số trường hợp Chính phủ đã thống nhất quan điểm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng đại diện các bộ, ngành vẫn nói ngược lại để bảo vệ lợi ích riêng của ngành mình.
Từ cách tiếp cận trên, bà Mai nhấn mạnh "chúng ta vẫn rất cần cơ quan dân cử, độc lập về lợi ích, có thể lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp để đưa ra những văn bản mang tính khách quan nhất".
Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự luật này sẽ tiếp tục được các đại biểu xem xét tại kỳ họp giữa năm 2019 trước khi biểu quyết thông qua.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đề xuất "đổi vai" trong chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi Quốc hội thông qua.
Chính phủ trình hai phương án. Phương án một nêu cơ quan soạn thảo (các bộ, ngành) đồng thời là cơ quan chủ trì tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý cho đến khi dự án luật được Quốc hội thông qua. Phương án hai, giữ cơ bản như hiện nay là giao đơn vị thẩm tra (các ủy ban của Quốc hội) chủ trì việc này.
Anh Minh