Đề xuất được ThS Trương Trọng Hiểu, Trường đại học Kinh tế - Luật TP HCM, nêu tại hội thảo cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá tổ chức ngày 7/4.
Theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, cả nước sẽ tồn tại duy nhất một cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, được quản lý tập trung và đồng thời có sự phân cấp, phân quyền thống nhất từ Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đến tỉnh, thành phố. Ngoài cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân cũng sẽ được khai thác dữ liệu khi được cơ quan quản lý dữ liệu đồng ý và có trả phí.
![Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/04/07/DJI-0197-6283-1680868678.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HWpENIBfAmI8aBKKCrBc0A)
Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo ông Hiểu, thách thức trong nhiều năm qua là xây dựng và hình thành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chung. Điểm nghẽn này bắt nguồn từ lý do thị trường bất động sản trong nước hoạt động chưa thật sự chính quy. Ngoài dữ liệu về giá giao dịch cơ quan thuế đang quản lý, pháp luật chưa có định chế để truy nhận thông tin về giá đất trên thị trường.
Việc triển khai cơ sở dữ liệu đất đai cần được tiến hành từng bước, bao gồm: đưa ra quy định và cả chế tài để buộc các bên có liên quan cung cấp thông tin; quy định trách nhiệm của các đơn vị, bao gồm cơ quan thuế và tổ chức kinh doanh bất động sản xuất thông tin về đất đai lên hệ thống dữ liệu quốc gia; tổ chức xử lý và vận hành, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả...
Ông Hiểu cho rằng việc triển khai nhanh các công việc trên rộng rãi trong phạm vi cả nước, hoặc những địa phương mà giao dịch bất động sản vẫn phổ biến qua đường "giấy tay" sẽ khó đạt được hiệu quả cao. Do đó, cần lựa chọn nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để thí điểm. TP HCM với những ưu thế về hạ tầng kỹ thuật, thông tin, dữ liệu phong phú từ thị trường bất động sản sôi động cần được ưu tiên để triển khai hoạt động này.
Từ những kết quả bước đầu của TP HCM, việc xúc tiến các hoạt động xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về đất đai có thể được mở rộng ra một số địa phương khác và cuối cùng là cả nước.
Nói về sự cần thiết của việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng thành phố đã có đề xuất cho thí điểm triển khai về chính sách đánh thuế nhà đất thứ hai trở lên trên địa bàn vào thời điểm thích hợp. Muốn thực hiện được, việc đầu tiên cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhà đất một cách toàn diện, thống kê, quản lý tài sản của người dân, để đảm bảo công bằng.
Tháng 8 năm ngoái, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM công bố nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường, chia sẻ 450 tệp dữ liệu liên quan đến phân khu; diện tích đất; quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất; độ cao mặt đất; tốc độ lún giúp người dân, doanh nghiệp có thể xem dữ liệu trên nền tảng trực tuyến.
Lê Tuyết