Đây là một trong nhiều đề xuất của Sở Xây dựng TP HCM trong báo cáo việc triển khai các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2025. Cơ quan này đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc phát triển nhà ở xã hội tại TP HCM thời gian qua.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn, kéo dài khiến tiến độ dự án chậm, thậm chí không thực hiện được. Loại hình nhà ở xã hội chưa đa dạng, các căn hộ diện tích nhỏ 25-30 m2 và giá 300-400 triệu đồng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
"Nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, vốn cho các đối tượng hưởng chính sách mua nhà chưa ổn định", Sở Xây dựng nêu. Đồng thời, các bước thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn phức phức tạp nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngoài chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua nhà, kiểm soát lợi nhuận định mức dự án...
Để tháo gỡ các khó khăn, Sở Xây dựng đề xuất thành phố, trung ương cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Hồi cuối tháng 8, cũng có một số ý kiến đề nghị Tổng liên đoàn Lao động thành lập doanh nghiệp trực thuộc có chức năng kinh doanh bất động sản để thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân.
Ngoài đề xuất trên, Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng theo hướng cắt giảm hoặc liên thông thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng. Cùng với đó là cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Sở cho rằng cần điển hình hóa thiết kế nhà ở xã hội để xây dựng hàng loạt, góp phần giảm thời gian thực hiện, thủ tục đầu tư và giá thành căn hộ. Về nghĩa vụ nhà ở xã hội với các dự án nhà ở thương mại (quy mô 2-10 ha), đơn vị này đề xuất cho phép UBND thành phố tự quyết định 3 hình thức thực hiện gồm dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội, chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư cần thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước để làm nhà ở xã hội hoặc doanh nghiệp nộp tiền bằng với giá trị quỹ đất 20%.
Giai đoạn 2016-2020, TP HCM hoàn thành 19 dự án, 1,18 triệu m2, quy mô gần 15.000 căn nhà ở xã hội. Con số này đạt xấp xỉ 75% kế hoạch. Giai đoạn 2021-2025, tính đến hết quý II năm nay, TP HCM mới đưa vào sử dụng được 2 dự án nhà ở xã hội, quy mô 623 căn. 7 dự án nhà ở xã hội, với gần 5.000 căn đang thi công. 82 dự án đang được thống kê theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.
Anh Tú