Tham gia thảo luận tại Quốc hội chiều 28/10, ông Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) nói, vừa qua cơ quan đảng các cấp đã kỷ luật nhiều cán bộ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nơi được coi là "lò ấp" đào tạo và cấp bằng tiến sĩ. Vì vậy, ông đề xuất kiểm tra toàn bộ bằng tiến sĩ, thạc sĩ của cán bộ nhằm sàng lọc, đảm bảo chất lượng quản lý, điều hành của hệ thống chính trị.
Đại biểu Vân cũng kiến nghị ban hành quyết định thành lập Ban chỉ trung ương đạo cải cách thể chế. Nguyên nhân là dù cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra ba đột phá chiến lược, trong đó có thể chế, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ, vấn đề này chưa được giải quyết căn bản. Trong khi đó, thể chế có vai trò rất quan trọng, là nền tảng kiến tạo phát triển trong quản trị quốc gia.
Các vấn đề Ban chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ là thể chế Nhà nước như phân công kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền, phân cấp phân quyền, hướng tới Nhà nước kiến tạo phục vụ nhân dân.
Bệnh viện tự chủ cần được tự quyết thu nhập của nhân viên y tế
Theo ông Vân, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết riêng về tự chủ toàn diện với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và y tế trên bốn phương diện. Đó là độc lập, tự chủ về mô hình và phương thức hoạt động; vấn đề nhân sự; tài chính ngân sách; đầu tư.
"Làm vậy mới có đột phá về chất lượng nhân sự và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chứ trao quyền nửa vời thì khó phát huy được tính năng động, sáng tạo", ông Vân nói, cho rằng nghị quyết kỳ họp nên có nội dung cho phép chào giá cạnh tranh để cơ sở y tế mua trang thiết bị, thuốc chữa bệnh vì đây là vấn đề rất cấp bách.
Chung ý kiến, GS Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) cho rằng, bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên thì cần được tự quyết định mức thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế. "Nhà nước không cấp chi phí thường xuyên cho các bệnh viện, đơn vị tự chủ nhưng lại quy định việc trả lương là không hợp lý. Nên để cho bệnh viện quyết định, miễn sao giữ được người tài, hoạt động hiệu quả", ông nói.
Để khắc phục các điểm nghẽn với bệnh viện công lập, GS Nhân đề xuất để các đơn vị này hoạt động trong điều kiện cơ chế thị trường. Những quy định hiện nay không phù hợp hoặc trái với cơ chế thị trường cần thay đổi. Đơn cử như về đấu thầu, Thông tư năm 2019 quy định giá đấu thầu của năm nay không được cao hơn giá thắng thầu năm ngoái. Điều này là phi thị trường bởi giá đấu thầu tại thời điểm nào do thị trường thời điểm đó quyết định.
Ông Nhân cũng đề nghị Nhà nước thể hiện trách nhiệm bằng cách đầu tư cho các bệnh viện vì hầu hết bệnh viện tham gia tự chủ về chi phí thường xuyên chứ không tự chủ chi phí đầu tư. Nhưng Nhà nước hầu như không bố trí ngân sách cho các bệnh viện. Như vậy, các cơ sở y tế sẽ không mua được máy móc, thiết bị mới, buộc phải thuê, đặt máy để làm dịch vụ.
"Tôi đề nghị khi chưa bố trí được kinh phí năm 2020-2021 cho các bệnh viện thì họ được tiếp tục thuê máy, đặt máy cho đến khi có kinh phí đầu tư để hoạt động không bị gián đoạn", ông Nhân nói, thêm rằng năm 2022, ngành y tế mới giải ngân được 12% vốn đầu tư công, cần chuyển phần còn lại sang năm 2023.
Hồi tháng 9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có nhiều vi phạm, trong đó có thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát. Hậu quả là để xảy ra nhiều vi phạm, như trong quản lý nghiên cứu khoa học; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Những vi phạm này đã được các tổ chức đảng cấp trên chỉ ra nhưng không kịp thời sửa chữa, để kéo dài nhiều năm, gây hậu quả nghiêm trọng, mất đoàn kết nội bộ, bức xúc trong cán bộ, đảng viên. Chủ tịch và hai Phó chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đều bị kỷ luật. Trong đó, ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện, bị Bộ Chính trị cảnh cáo. Ngày 3/10, Trung ương thống nhất để ông Quang thôi tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.
Viết Tuân - Sơn Hà