"Nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh bằng các lợi ích chứ không nên đặt ra các hạn chế", đại biểu Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận tỉnh Bắc Giang, nói khi góp ý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, sáng 23/11.
Ông Thịnh cho biết đề xuất nêu trên có thể xem là giải pháp trung gian. Khi người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần, cơ quan bảo hiểm sẽ xác định số tiền họ cần rút và chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội. Người lao động phải chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm trên số tiền rút; khi quay lại tham gia BHXH phải đóng bổ sung lãi suất này.
"Tôi tin rằng với giải pháp trung gian như vậy sẽ giữ chân được người lao động bằng các lợi ích chứ không phải bằng các hạn chế", ông Thịnh nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn chuyên trách Hải Dương) cũng "vô cùng day dứt" trước thực trạng lao động rút BHXH một lần. Các trường hợp rút BHXH đều gặp khó khăn về kinh tế nên việc sửa đổi quy định "dễ gây dư luận trái chiều". "Trong bối cảnh đời sống người dân khó khăn, việc loại bỏ hoàn toàn quy định rút BHXH từ khi luật mới có hiệu lực là chưa thực sự phù hợp", bà nói.
Giải pháp nữ đại biểu đưa ra là siết rút BHXH đồng thời bằng cách trao quyền lựa chọn cho người lao động, tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ BHXH để giữ chân họ trong hệ thống; quy định chặt điều kiện hưởng để hạn chế rút BHXH một lần. "Về lâu dài, cần tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút BHXH một lần", bà Nga nêu quan điểm.
Tranh luận với các đại biểu, Phó đoàn Đăk Nông Dương Khắc Mai nói BHXH là chỗ dựa cơ bản của người lao động khi tuổi cao sức yếu, mắt mờ chân chậm, không thể làm ra của cải vật chất để nuôi mình. Vì vậy, Nhà nước cần có giải pháp mang tính nguyên tắc, thậm chí bắt buộc để người lao động chuẩn bị từ sớm, không phải là gánh nặng cho gia đình, xã hội và là "nốt nhạc trầm buồn khi đến tuổi xế chiều".
Đồng tình với các ý kiến đề xuất lao động được rút phần BHXH mà họ đóng, phần doanh nghiệp đồng chi trả sẽ giữ lại để hưởng lương hưu, đại biểu Mai đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, tạo niềm tin cho người dân. "Hiện có nhiều người chưa hiểu rõ về BHXH. Có người còn hiểu nhầm BHXH là khoản đầu tư sinh lời trong tương lai", ông Mai nói.
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án về việc rút BHXH một lần. Phương án 1 giữ quy định hiện hành, cho rút đối với lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực; phương án 2 là chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Ủy ban Xã hội cho biết có ý kiến chưa đồng ý với cả hai phương án vì cho rằng phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng, tiềm ẩn nguy cơ ồ ạt rút bảo hiểm một lần. Phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì đây là "tiền của người lao động" và cơ quan soạn thảo cũng chưa lý giải về tỷ lệ 50%.
Dự án luật Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, dự kiến xem xét thông qua vào kỳ họp giữa năm 2024.