Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến việc tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Theo quy định hiện nay, số biên chế công chức phường bình quân là 15 người, tính cho tổng số phường của mỗi quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố. Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi theo hướng số biên chế công chức phường của ba địa phương trên xác định theo quy mô dân số.
Cụ thể phường thuộc quận, thành phố thuộc thành phố, có từ 30.000 dân trở xuống thì được tính 15 biên chế công chức; trên 30.000 đến 50.000 dân thì có 16 biên chế; trên 50.000 đến 70.000 dân thì có 17 biên chế; trên 70.000 đến 90.000 dân thì có 18 biên chế..., trên 110.000 dân thì được tính 20 biên chế.
Các phường thuộc thị xã có từ 10.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; trên 10.000 đến 17.000 dân thì có 16 biên chế; trên 17.000 đến 24.000 dân thì có 17 biên chế; trên 24.000 đến 31.000 dân thì có 18 biên chế; trên 31.000 đến 38.000 dân thì có 19 biên chế; trên 38.000 dân thì được tính 20 biên chế.
Theo tính toán của Bộ Nội, việc xác định biên chế theo quy mô dân số sẽ làm tổng biên chế công chức phường của Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM tăng 208 so với hiện nay (tính trung bình 15 biên chế/phường). Con số này không lớn so với số giảm biên chế khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 tại 3 thành phố.
Qua sắp xếp 3 thành phố đã giảm khoảng 700 biên chế cán bộ, công chức phường do không còn 469 cán bộ phường là phó chủ tịch HĐND phường; giảm số chủ tịch HĐND phường trước đó đã được các thành phố bố trí hoạt động chuyên trách và giảm được khoảng 170 cán bộ, công chức cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Lý giải đề xuất tính biên chế công chức phường theo số dân, Bộ Nội cho biết sau thời gian thí điểm, tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền quận, phường nơi không tổ chức HĐND đã đi vào ổn định, hoạt động nhanh nhạy, điều hành và quyết định kịp thời những vấn đề cấp bách trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của chính quyền đô thị. Tuy nhiên, quy định hiện nay bộc lộ những bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi.
Quy định bình quân biên chế công chức mỗi phường là 15, tính cho tổng số phường của mỗi đơn vị hành chính cấp quận dẫn đến 3 thành phố không chủ động điều chỉnh số biên chế giữa các quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, trong khi quy mô dân số của các phường chênh lệch rất lớn, khối lượng công việc không đồng đều.
Theo báo cáo của TP HCM, đến ngày 31/12/2021, thành phố có 90/249 phường có từ 30.000 người trở lên, trong đó 21 phường trên 50.000 đến 75.000 người, 12 phường trên 75.000 đến 100.000 người và 3 phường trên 100.000 người. Phường có dân số thấp nhất là An Lợi Đông thuộc TP Thủ Đức trên 1.200, cao nhất là phường Bình Hưng Hòa A thuộc quận Bình Tân gần 126.000.
Tại Hà Nội, phường ít dân nhất là hơn 5.000 (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm), cao nhất gần 83.000 (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).
Tại TP Đà Nẵng, phường có dân số thấp nhất trên 7.500 (phường Nam Dương, quận Hải Châu) và cao nhất hơn 65.000 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).
Từ thực tế trên, các thành phố đề xuất bình quân 15 biên chế công chức phường được tính cho tổng số phường của toàn thành phố và giao cho thành phố quyền quyết định. Tiếp thu ý kiến này, Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo nghị định.
Ngoài sửa quy định xác định số công chức phường, Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường; quy định về người hoạt động không chuyên trách; cơ cấu tổ chức của UBND phường; nhiệm vụ về quân sự, quốc phòng trên địa bàn quận và phường thuộc quận; cơ chế tài chính đặc thù đối với quận, thành phố thuộc TP HCM...
Hiện Hà Nội không tổ chức HĐND đối với 175 phường, TP HCM áp dụng đối với 16 quận và 249 phường và Đà Nẵng thực hiện ở 6 quận, 45 phường.
Theo kế hoạch, thời gian lấy ý kiến cho dự thảo từ ngày 3/11/2022 đến 3/1/2023 trước khi tiếp thu, hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Võ Hải