"Mỗi hộ gia đình phải trả phí theo đúng khối lượng mà mình thải ra, tùy theo từng loại chất thải. Hình thức này chỉ là một trong những công cụ kinh tế nhằm hạn chế tối đa chất thải nguy hại ra môi trường", ông Nguyễn Văn Tài - Phó viện trưởng phụ trách Viện chiến lược và chính sách tài nguyên môi trường thuộc Bộ Tài nguyên môi trường cho biết.
Ở TP HCM phí thu gom rác thải sinh hoạt đang được triển khai theo hình thức bao cấp trong quản lý. Cụ thể, mỗi hộ gia đình chỉ cần đóng 10.000-15.000 đồng rồi vô tư thải vào thùng rác bao nhiêu cũng được với đủ loại chất nguy hại, chất thải sinh hoạt, túi ni lông... mà không cần phân loại cũng như quan tâm đến tác hại của nó.
Chất thải rắn sinh hoạt đang dần trở thành mối hiểm họa với môi trường. Ảnh chụp trên đường Ngô Nhân Tịnh, quận 6, TP HCM. Thiên Chương |
"Ở Đài Loan, người dân phải mua túi đựng và buộc phải trả phí thu gom dựa vào những gì gia đình họ thải ra. Việt Nam cũng nên hướng tới những quy định đó nếu muốn giảm thiểu chất thải nguy hại", ông Tài nêu quan điểm trong Hội thảo tham vấn về Dự thảo diễn ra tại TP HCM sáng nay.
Ông Nguyễn Trung Thắng - Trưởng ban môi trường và phát triển bền vững thuộc Bộ Tài nguyên môi trường thông tin thêm, dự thảo sẽ được trình Chính phủ vào tháng 7/2009.
Nếu theo đúng chiến lược thì bao bì ni lông cũng gần như bị khai tử, phế liệu và chất thải nguy hại bị kiểm soát chặt chẽ trong các khâu nhập khẩu, mua bán. Đặc biệt, lần đầu tiên, luật về quản lý sử dụng chất thải nguy hại được nghiên cứu để ban hành vào năm 2015.
Hiện nay, theo thống kê của Sở Tài nguyên môi trường TP HCM, mỗi ngày có trên 200 tấn chất thải nguy hại từ các xí nghiệp, gần 9 tấn chất thải bệnh viện rắn ở bệnh viện đổ thẳng ra môi trường, cộng thêm khoảng 6.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt hằng ngày đang biến TP HCM thành một bãi rác khổng lồ.
Theo nhiều chuyên gia môi trường, chất thải rắn là một mối hiểm họa thật sự, nhiều thành phần trong các loại rác như bút bi, dầu máy, chì, thủy ngân, kim loại trong pin... có thể gây độc tố khi tự phân hủy.
Dự báo của Bộ Tài nguyên môi trường năm 2010 chất thải rắn đô thị tại Việt Nam sẽ là 25 triệu tấn, đến năm 2020 con số này tăng gấp đôi. Chiến lược quốc gia về giảm thiểu, tái sử dụng chất thải được kỳ vọng sẽ xử lý được 40 tấn chất thải rắn vào năm 2020.
Kiên Cường