Ý kiến được đại biểu HĐND Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM) nêu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của kỳ họp 20, HĐND TP HCM khóa IX sáng 10/7.
Nhắc lại câu chuyện chống ngập, đặc biệt khu có nhiều chung cư cao tầng ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), ông Thắng cho rằng xu hướng xây nhà cao tầng phù hợp trong bối cảnh "đất chật người đông" như TP HCM. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển của nhà cao tầng là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, ngập nước.
"Ví dụ đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập rất nhiều. Việc dùng máy bơm công suất lớn để bơm nước ra sông chỉ là giải pháp tạm thời. Thành phố phải tốn gần 500 tỷ để nâng đường. Tất cả đều là tiền của người dân", ông Thắng nói và đề xuất phải thu đơn vị làm dự án nhà cao tầng khoản phí dự phòng cho nhiệm vụ chống ngập.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, ông Thắng cho biết sở dĩ có đề xuất như trên vì các dự án chung cư càng cao tầng nhà đầu tư càng có lợi. Khoản phí sẽ được chủ đầu tư tính cho người mua nhà. Việc thu phí không cào bằng, mà nên thu theo địa hình, đặc điểm, tính đẳng cấp của tòa nhà.
"Nhà càng đẳng cấp chịu khoản phí càng cao, điển hình như khu đường Nguyễn Hữu Cảnh. Còn những chung cư dành cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội chỉ lấy phí tượng trưng chứ không thể lấy cao được", ông Thắng nói.
Nói thêm về thực trạng xây nhà cao tầng ở TP HCM, ông Thắng cho rằng việc xây nhiều căn hộ cao tầng đã tạo độ nén trên đất rất cao và làm cho diện tích thoát nước ở khu vực vùng trũng không còn. "Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ngập nên phải có nghĩa vụ đóng góp trực tiếp", ông Thắng nói.
Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM khẳng định việc chống ngập sẽ được tốt hơn nếu việc thu phí nhà cao tầng được thực hiện. Vì khi thu phí nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ làm hệ thống cống thoát nước tốt hơn để bảo vệ tòa nhà và cư dân trong tòa nhà.
Liên quan đến đề xuất này, Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho rằng việc thực hiện quy hoạch nhà cao tầng phải theo quy định và phải có hệ số mật độ xây dựng, hạ tầng tương thích với quy mô dân số.
"Giải quyết chống ngập, kẹt xe là nhiệm vụ của nhà nước nhưng trong điều kiện chưa làm được, sẽ rất tốt nếu doanh nghiệp có thể tham gia góp vốn để xây dựng hạ tầng giao thông cho thành phố", ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, trong báo cáo tổng kết 5 năm về phát triển dự án nhà ở của thành phố cho thấy nhà ở cao tầng chiếm tỷ lệ cao hơn nhà riêng lẻ. Điều này cho thấy người dân đã có xu hướng, thói quen sống trong nhà cao tầng có điều kiện sống tốt, tiện nghi hơn, nhất là đối với giới trẻ.
Phó chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết đang yêu cầu tất cả nhà đầu tư xây những khu đô thị mới có quy mô 50-100 ha trở lên phải có hồ điều tiết. Những dự án, công trình ven sông hoặc lân cận sông có thể liên kết với sông, rạch gần đó để tạo ra hệ thống thoát nước tự nhiên. Ông dẫn chứng kinh nghiệm này đã làm được ở Thủ Thiêm, quận 2. Theo đó, thành phố đã dành hơn 100 ha đất ở đây làm vùng ngập nước tự nhiên. Đến nay, khu vực này đã phát huy tác dụng.
Báo cáo với Thường trực UBND TP HCM mới đây, Sở Xây dựng cho biết chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 đã xóa sổ 25/36 tuyến đường bị ngập, đạt 69% so với chỉ tiêu đưa ra. Qua ba trận mưa lớn vượt tần suất thiết kế cống thoát nước từ đầu năm, thành phố ghi nhận 22 đường lớn ở các quận huyện bị ngập - giảm 104 tuyến so với 10 năm trước.
Hiện, thành phố triển khai 54 dự án xây dựng hệ thống thoát nước để bổ sung khoảng 92 km cống các loại và nạo vét hơn 60 km kênh rạch; thực hiện gần 1.500 công trình cải tạo, nâng cấp các tuyến hẻm, đường; khơi thông 193 tuyến kênh rạch để chống ngập.
Hữu Công