Người dân Ấn Độ biểu tình yêu cầu chính phủ nhanh chóng trừng trị những kẻ cưỡng hiếp tập thể. Ảnh: AFP |
Sự kiện một nữ sinh 23 tuổi bị hãm hiếp tập thể trên xe buýt và đã tử vong đang đặt ra yêu cầu thi hành nhiều bản án nghiêm khắc hơn để hạn chế tội phạm tình dục trong xã hội Ấn Độ, bao gồm cả việc "thiến" bằng hóa chất.
Nếu đề xuất cứng rắn này được thông qua, thì Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong năm nay bổ sung hình phạt thiến hóa học vào luật pháp trong năm 2013. Trước đó, nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức, Nga và Hàn Quốc cũng đã sử dụng hình thức trừng phạt này đối với những kẻ phạm tội hiếp dâm. Vừa hôm kia, tòa án Hàn Quốc lần đầu sử dụng án "thiến" hóa học đối với một tội phạm hiếp dâm 5 trẻ em.
Tuy nhiên, phần đông các bác sĩ tại Ấn Độ lại đang nhất mực phản đối đề xuất này. Theo họ, việc "thiến" các tội phạm tình dục bằng việc tiêm hóa chất không phải là một giải pháp thiết thực, bởi hiệu quả của nó không được kéo dài, cũng như không ngăn cản được một số hậu quả về xã hội hay các vấn đề tâm thần, những yếu tố có thể dẫn tới tội ác tương tự.
"Chúng tôi áp dụng hình thức thiến hóa học trong quá trình điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt, bằng cách tiêm thuốc làm giảm việc sản xuất hormone nam testosterone, thứ có thể gây ra căn bệnh ung thư", tiến sĩ Amrendera Pathak, chuyên gia tiết niệu học tại Bệnh viện Bara Hindu Rao, nói.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, loại thuốc được sử dụng cho việc thiến hóa học chỉ có tác dụng trong vòng 90 ngày. Do đó, một khi tội phạm hiếp dâm được mãn hạn tù, việc tìm kiếm họ ba tháng một lần để tiêm thuốc là điều rất khó khăn. Ngoài ra, thuốc chống tiết testosterone sẽ không có hiệu lực nếu tội phạm bí mật tiêm hormone nam vào cơ thể.
"Đây là một giải pháp vô cùng tốn kém. Bệnh nhân phải bổ sung thuốc ba tháng một lần. Hormone sẽ được tái sản xuất nếu việc uống thuốc bị ngưng. Do vậy, phần lớn các khách hàng đều lựa chọn việc phẫu thuật. Việc trừng phạt tội phạm bằng biện pháp hóa học cũng sẽ gặp khó trong vấn đề chi phí và thực thi", ông Pathak nói thêm.
Theo tiến sĩ Dr Atul Gogia, chuyên gia tư vấn cao cấp về nội khoa ở Bệnh viện Sir Gâng Ram, việc theo dõi các bệnh nhân bị thiến hóa học rất khó khăn.
"Nó còn gây ra những tác dụng phụ như loãng xương, giảm khối lượng cơ, tăng nguy cơ bệnh tim và các vấn đề về hành vi", ông nói.
"Nó không phải một giải pháp dứt điểm. Loại thuốc này sẽ gây ra rất nhiều biến chứng, mặc dù hiếm khi gây đe dọa tới tính mạng", Tiến sĩ tim mạch Sai Sudhakar cho biết. Ông cũng nói thêm rằng nam giới sẽ có xu hướng nữ tính hóa khi sử dụng hóa chất này.
5 nghi phạm hãm hiếp và đánh đập khiến nữ nạn nhân 23 tuổi ở New Delhi chết đã bị điệu ra tòa, với cáo trạng hiếp dâm và giết người. Giới quan sát dự kiến những tên này có thể phải đối mặt với án tử hình. Trong những ngày qua, nhiều người Ấn Độ, trong đó có cả giới chức và chính trị gia, đề xuất việc tiêm hóa chất để hạn chế dục vọng của những nghi phạm này nếu chúng bị kết tội. Nghi phạm thứ sáu, tự xưng ở tuổi vị thành niên, đang được xét nghiệm về tuổi. Thậm chí có chính trị gia còn đề nghị biện pháp "thiến" bằng phẫu thuật đối với kẻ thủ ác. Gia đình của nạn nhân tuyên bố họ muốn những kẻ hiếp dâm bị treo cổ.
Các bác sĩ tâm thần cho rằng tính nghiêm khắc của hình phạt đối với những kẻ hiếp dâm không quan trọng bằng tính kịp thời và chắc chắn của việc thi hành luật. Ở một đất nước tự do như Ấn Độ, sự đồng thuận của người dân và các chuyên gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc thi hành án. Đi ngược lại ý kiến của số đông sẽ khiến chính phủ nước này gặp khó khăn.
"Bộ luật hiện hành đã đủ tốt và bất cứ sự thay đổi nào, chẳng hạn việc sử dụng thiến hóa học như một hình phạt, chỉ có thể thực hiện sau khi được tham khảo rộng rãi", tiến sĩ Nimesh Desai, giám đốc Viện Hành vi Con người và Những ngành khoa học Liên quan, nói.
"Ở một đất nước cực kỳ đông dân như Ấn Độ, theo dõi những tội phạm đã mãn hạn tù ba tháng một lần dường như không tưởng. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng hormone nam là rất khó."
Quỳnh Hoa (Theo The Times of India, Deccanchronicle)