Đây là kết quả mới nhất từ nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) thực hiện để đề xuất Chính phủ, dựa trên những khảo sát, phân tích ứng dụng chứng nhận an toàn dịch bệnh của các quốc gia và tổ chức trên thế giới. Nhóm nghiên cứu nhận định, giải pháp chứng nhận an toàn dịch bệnh là chìa khóa để mở cửa trở lại công việc kinh doanh, đi lại, nhằm thực hiện nhiệm vụ kép "Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký TAB, nhóm đề xuất dùng khái niệm "Thẻ thông hành xanh Việt Nam" thay cho "Hộ chiếu vaccine", để tránh cách hiểu chưa đầy đủ. Hình thức chứng nhận này sẽ được sử dụng cho cả đi lại trong nước và nước ngoài.
Trong đề xuất của nhóm nghiên cứu, các quốc gia trên thế giới đã cho phép người dân sử dụng chứng nhận tiêm chủng để đi du lịch, các hoạt động trong nước như tham gia sự kiện, ăn uống tại nhà hàng. Cụ thể, 40 quốc gia/vùng lãnh thổ và 6 tổ chức quốc tế đã triển khai chứng nhận an toàn Covid-19, trong đó, có thể kể đến "Chứng nhận xanh" trên nền tảng số của Liên minh châu Âu (EU), "Hộ chiếu Vaccine" của Philippines, "Chứng nhận tiêm chủng Covid-19" của Tổ chức Y tế Công cộng Linux (LFPH) hay thẻ thông hành của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA)...
Thẻ thông hành xanh Việt Nam sẽ tích hợp thông tin định danh cá nhân; thông tin hộ chiếu (nếu có); thông tin y tế phòng dịch Covid-19, bao gồm: Chứng nhận tiêm chủng vaccine, chứng nhận xét nghiệm vaccine, chứng nhận phục hồi (âm tính) sau khi nhiễm Covid-19. Ngoài ra còn các thông tin quy định y tế của các bộ, ngành, cấp chính quyền.
Thẻ có thể hiển thị mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in trên giấy để người sử dụng trình ra khi yêu cầu. Mã QR hiển thị màu xanh, vàng, đỏ tương ứng lần lượt với cho phép, cho phép có hạn chế và không cho phép khi đến một địa điểm, dựa trên quy định của Bộ Y tế.
Nhóm nghiên cứu đề xuất cấp miễn phí Thẻ thông hành xanh cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã đăng ký tạm trú tại Việt Nam. Thẻ là cơ sở xác nhận để người dùng tham dự, sử dụng dịch vụ trong nhà, ngoài trời; đi lại trên phương tiện giao thông công cộng (phục vụ du lịch, công tác, thăm thân...) hoặc đi công tác, du lịch nước ngoài.
Thực hiện thí điểm Thẻ thông hành xanh, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất lộ trình gồm xây dựng đề án thí điểm; xác định phạm vi thử nghiệm; cập nhật cho ứng dụng các quy định về phòng chống Covid-19, quy định đi lại, mở cửa...; nhập thông tin y tế về Covid-19 vào ứng dụng; thu thâp thông tin, phản hồi để kết luận cho dự án thí điểm. Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam đàm phán song phương, đa phương với các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới để ký thỏa thuận cho phép công dân Việt Nam sử dụng Thẻ thông hành xanh khi nhập cảnh.
Lan Hương