Trình bày tờ trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/10, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trưởng Lê Minh Ngân cho biết từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ đẩy mạnh dự án hạ tầng giao thông, năng lượng. Trong đó nhiều dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, Trung ương Đảng đã cho chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam với quy mô sử dụng đất 10.827 ha. Những dự án này sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 39/2021. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất ở nhiều địa phương hiện đã thay đổi so với chỉ tiêu được phân bổ. Vì vậy, một số chỉ tiêu sử dụng đất theo Nghị quyết trên không còn phù hợp thực tế. Nếu không được điều chỉnh, chỉ tiêu cũ sẽ giới hạn nhu cầu sử dụng một số loại đất, gây khó khăn triển khai dự án trọng điểm quốc gia.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tán thành đề xuất của Chính phủ vì nhiều dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông đang chuẩn bị triển khai. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân nhiều chỉ tiêu sử dụng đất được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 39/2021 thực hiện còn thấp. Chính phủ cũng cần bảo đảm giữ diện tích đất trồng lúa, độ che phủ rừng, quan tâm đến việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tính toán nhu cầu sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Thời gian qua, tình hình thế giới biến động mạnh, đại dịch Covid-19 xảy ra cho thấy vấn đề an ninh lương thực luôn phải đặt lên hàng đầu. "Vì sao chúng ta giữ đất trồng lúa mặc dù lời không nhiều, vì đây là vấn đề an ninh lương thực quốc gia, đóng góp an ninh lương thực quốc tế", ông Mẫn nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết tại Long An, Cần Thơ, tỷ lệ đất trồng lúa rất lớn, tuy nhiên việc sử dụng chưa đạt hiệu quả cao. Một số địa phương được phân bổ tỷ lệ đất trồng lúa lớn nên không thể phát triển công nghiệp, gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Tới đề nghị Chính phủ nghiên cứu phân bổ đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và cân đối với Bắc Bộ, Trung Bộ và quy mô cả nước. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, việc quy hoạch đất trồng lúa phải kết hợp phát triển hợp lý về công nghiệp và các ngành khác.
Giải trình, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng sau khi có kết luận của Bộ Chính trị về đường sắt tốc độ cao, nhu cầu đất giao thông quốc gia sẽ tăng lên. "Không thể lấy từ đâu khác ngoài 3,5 triệu ha đất nông nghiệp và 15,6 triệu ha đất lâm nghiệp. Đã đến lúc chúng ta điều chỉnh chỉ tiêu và sử dụng đất hiệu quả", ông Hà nói, cho biết Chính phủ sẽ làm rõ quan điểm phân bổ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.
Tháng 11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025. Theo đó, Quốc hội quyết nghị giữ hơn 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030, trong đó 300.000 ha được chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Đến năm 2030, cả nước có 5,2 triệu ha đất rừng phòng hộ; 2,45 triệu ha đất rừng đặc dụng; 8,1 triệu ha đất rừng sản xuất; đất khu kinh tế 1,6 triệu ha; đất khu công nghệ cao 4.000 ha; đất đô thị 2,9 triệu ha.
Sơn Hà