Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự thảo sửa đổi Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất HĐND thành phố có thẩm quyền quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức, người lao động trong khối hành chính không vượt quá 1,8 lần mức lương theo ngạch, bậc hoặc vị trí việc làm và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của đơn vị.
Hiện lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính bằng lương cơ sở (1,8 triệu đồng) nhân hệ số lương. Hệ số lương được tính theo ngạch bậc của từng nhóm công chức. Từ ngày 1/7, công chức loại A (ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương) có mức lương cao nhất 14,4 triệu đồng/tháng; thấp nhất 3,8 triệu đồng/tháng.
Công chức loại B (ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương) mức lương cao nhất 7,3 triệu đồng/tháng; thấp nhất 3,3 triệu đồng. Công chức loại C (ngạch chuyên viên hoặc tương đương), mức lương cao nhất 6,5 triệu đồng/tháng; thấp nhất 2,4 triệu đồng.
Đến tháng 6/2023, TP Đà Nẵng có hơn 32.200 công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan Đảng, Mặt trận, Đoàn thể, chính quyền. Theo niên giám thống kê thành phố năm 2022, mức thu nhập bình quân của người làm việc trong khu vực nhà nước là 8,3 triệu đồng/tháng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến hệ số tăng thu nhập trung bình năm 2024 là 0,33; năm 2025 là 0,43; năm 2026 là 0,72; đảm bảo không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản theo Nghị quyết 27 của Trung ương. Như vậy, dự kiến giai đoạn 2024-2026, ngân sách thành phố cần hơn 4.700 tỷ đồng để chi thu nhập tăng thêm.
Nguồn thực hiện chính sách tiền lương còn dư của thành phố đến năm 2022 là 9,17 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 7,8 triệu tỷ đồng. "TP Đà Nẵng có cơ sở để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.
Theo cơ quan soạn thảo, chi thu nhập tăng thêm có tác động lớn, nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ công chức, viên chức, người lao động và thúc đẩy sáng kiến khoa học, chống tham nhũng. Thu nhập gắn với vị trí việc làm và hiệu quả công việc đảm bảo tương xứng với năng suất lao động của công chức; thu hút có hiệu quả người có tài năng, các chuyên gia đến làm việc, cống hiến.
Chính sách đặc thù về thu nhập cũng được đề xuất với một số địa phương. Cuối năm 2022, HĐND TP HCM quyết nghị việc tăng hệ số điều chỉnh thu nhập cán bộ, công chức lên tối đa 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ trong năm 2023.
Khi dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô năm 2023, Chính phủ đề xuất Hà Nội được chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị thành phố và một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn. Tổng mức chi cho nội dung này không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.