Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận tại 19 tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tại tổ TP HCM, đại biểu Hà Phước Thắng (Phó đoàn TP HCM) đề nghị Ban soạn thảo đánh giá lại đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày. Số ngày này chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, như Singapore 30-90 ngày; Malaysia 14-90 ngày; Myanmar 28-70 ngày; Philippines 30-59 ngày; Thái Lan 45 ngày; Indonesia tối đa 30 ngày; Campuchia 14-30 ngày.
"Vì sao không nâng thời hạn tạm trú lên 60 hoặc 90 ngày để tạo điều kiện thu hút đầu tư, hợp tác, du lịch", ông Thắng đặt câu hỏi.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó đoàn TP HCM) cũng đề nghị sửa quy định tăng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 lên 90 ngày, thay vì 3 tháng để đảm bảo rõ ràng vì số ngày trong tháng ở Việt Nam có thể khác nhau. Bà cũng muốn Chính phủ báo cáo Quốc hội danh sách nước sẽ được cấp thị thực điện tử để đại biểu báo cáo cử tri.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Thường trực Ủy ban Kinh tế) cho rằng thay đổi chính sách với visa tới giờ mới làm là muộn. Năm 2019 - thời điểm trước dịch, Việt Nam đạt 19 triệu khách quốc tế, trong khi đó Thái Lan là 25 triệu. Năm 2022 Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi sau dịch 5 triệu khách quốc tế, chỉ đạt 60%; còn Thái Lan có 11 triệu, Malaysia hơn 9 triệu khách.
Từ năm 2022, Thái Lan đã có nhiều chính sách gia hạn visa, kéo dài thời gian lưu trú hay tạo điều kiện cho khách nhập cảnh qua hình thức trực tuyến. Trong khi đó, Việt Nam chưa triển khai những giải pháp này. Ba tháng đầu năm, cả nước chỉ đón 3,7 triệu khách du lịch quốc tế trên tổng mục tiêu 8 triệu khách năm 2023.
"Tháo gỡ thủ tục visa là chìa khóa để du lịch Việt cất cánh vì xét về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên nước ta không kém gì các nước láng giềng", ông Hùng nói, cho rằng khó khăn trong xin visa đang là rào cản lớn bên cạnh chất lượng dịch vụ du lịch chưa tốt.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình Quốc hội dự thảo luật, đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên tối đa 3 tháng; thị thực điện tử (e-visa) có giá trị nhiều lần thay vì một lần như trước; mở rộng diện cấp e-visa (hiện 80 nước). Ban soạn thảo đề xuất tăng thời hạn tạm trú với người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày.
Sau khi thảo luận tổ, nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 2/6 và biểu quyết thông qua sáng 24/6 - ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.
Viết Tuân - Hoài Thu