Sáng 23/5, Bộ Quốc phòng tổng kết thi hành Nghị định số 162/2016 về chế độ, chính sách đối với cá nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết hoạt động gìn giữ hòa bình hầu hết diễn ra ở nơi tình hình an ninh, chính trị phức tạp, rủi ro cao. Sĩ quan được cử đi thực hiện nhiệm vụ phải đáp ứng yêu cầu cao về tiêu chuẩn và năng lực.
Tuy nhiên, Nghị định 162 chưa bao quát hết các trường hợp được áp dụng do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, bất cập về chế độ chi trả. Bảng phân chia chức danh có 9 nhóm, gồm cả chức danh theo biên chế Việt Nam và Liên Hợp Quốc, gây khó khăn khi tính toán mức phụ cấp cho quân nhân.
Cụ thể, lực lượng nữ quân nhân đi làm nhiệm vụ quốc tế hiện chỉ được hưởng thêm mức phụ cấp 2% - chưa tương xứng với sự hy sinh của phụ nữ. Đơn vị được cử đi thực hiện nhiệm vụ đang nhận kinh phí hỗ trợ hoạt động tập thể trên cơ sở mức chi trả bình quân của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này mới chỉ được tính trên đầu đơn vị, chưa xét quy mô.
"Đội công binh với quân số 184, gấp gần ba lần so với Bệnh viện dã chiến cấp 2 có 63 người, nhưng cả hai đơn vị được hỗ trợ cùng một mức như nhau", ông Thắng nêu ví dụ.
Vì vậy, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm rà soát, sửa đổi Nghị định số 162 để đảm bảo chế độ, chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Trong đó, tỷ lệ phần trăm hưởng phụ cấp của Liên Hợp Quốc đối với tập thể, đơn vị cần được nâng lên; điều chỉnh chế độ đối với lực lượng nữ; bổ sung trợ cấp địa bàn phù hợp lực lượng trực tiếp gìn giữ hòa bình.
Đại tá Nguyễn Hồng Giang, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, cho biết sĩ quan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình hiện nay chỉ được hưởng 40% mức lương của vị trí công tác trong nước. Ông đề nghị tăng lên mức cao nhất 100%, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và các phụ cấp khác (nếu có). Đối với lực lượng nữ, hàng tháng cần được hưởng thêm phụ cấp bằng 5% mức chi trả bình quân, thay vì 2% như hiện tại.
Phát biểu từ điểm cầu Phái bộ an ninh lâm thời Liên Hợp Quốc ở Abyei (khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan, châu Phi), Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, sĩ quan huấn luyện cao cấp, cho biết tham gia gìn giữ hòa bình là nhiệm vụ khó khăn đối với nữ quân nhân vì phải xa gia đình, hy sinh thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Nữ sĩ quan đề xuất điều chỉnh mức lương hưởng hàng tháng từ 40% vị trí công tác trong nước lên 100%; bổ sung phụ cấp đặc thù hoặc công tác phí cho nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình theo hình thức độc lập và có chế độ, chính sách phù hợp đối với nữ quân nhân đảm nhiệm trí quản lý, chỉ huy.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết Nghị định 162 là cơ sở pháp lý đảm bảo chế độ, chính sách cơ bản cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, góp phần động viên, khuyến khích hơn 530 cán bộ đang làm nhiệm vụ. Ông cho biết sẽ giao tổ soạn thảo nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị để trình cơ quan có thẩm quyền.
Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam đã cử 533 lượt cán bộ, sĩ quan quân đội và 4 sĩ quan cảnh sát thuộc Bộ Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên Hợp Quốc và các Phái bộ. Trong đó, 4 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan với 252 cán bộ, nhân viên y tế; Đội công binh số 1 với 184 cán bộ, nhân viên đến Abyei và 100 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân đến nhiều địa bàn. Tỷ lệ nữ tham gia hoạt động này của Việt Nam đạt 16,6%, cao hơn so với các quốc gia khác.