Dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên đề xuất trong vụ án hình sự có tội phạm là người chưa thành niên và người lớn thì cơ quan điều tra phải tách vụ án hình sự với người chưa thành niên để giải quyết độc lập. Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử được rút ngắn hơn so với vụ án thông thường.
Trước đề xuất này có ý kiến đồng ý phải tách vụ án hình sự để giải quyết độc lập. Song cũng có ý kiến cho rằng không nên tách vụ án hình sự bởi sẽ phát sinh nhiều vụ án, thêm nhiều thủ tục tố tụng không cần thiết.
Nêu ý kiến tại tổ trong Quốc hội sáng 8/6, Chánh án TAND Tối cao ủng hộ đề xuất vụ án nếu có cả trẻ em và người lớn thì phải tách ra giải quyết độc lập. Ông thấy nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra phải theo người lớn, điều này đặt các cháu vào tình trạng bị khởi tố, tạm giam kéo dài.
Hơn nữa, theo ông Bình, việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án với người chưa thành niên phải được tiến hành trong môi trường thân thiện nêu sẽ bất cập nếu xử lý chung. Một bất cập khác, nếu xử chung thì toàn bộ quá trình phạm tội sẽ bị công khai.
"Trên thế giới cấm việc công khai hành vi phạm tội của trẻ em vì người ta nghĩ đến phần đời còn lại rất dài của các cháu. Nếu bị công khai, các cháu sẽ mặc cảm khi bị xã hội kỳ thị, bạn bè xa lánh. Vì thế thông tin về hành vi phạm tội của người chưa thành niên phải được bảo mật", ông Bình nói.
Có nhiều ý kiến không đồng tình nội dung này do quan ngại trẻ em phải ra tòa hai lần, song ông Bình không thấy thế, nói "sẽ có cách khắc phục". Ông cho rằng lời khai của người chưa thành niên ở phiên tòa độc lập xem như đã được thẩm định công khai nên có thể sử dụng trước phiên tòa của người lớn. Từ đó, trẻ em có thể không cần ra tòa lần hai.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND Hà Nội, nói việc tách vụ án để xét xử riêng với người chưa thành niên sẽ không ảnh hưởng đến tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị can. Nếu xét xử chung, chủ tọa không phân biệt được người thành niên và chưa thành niên nên sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của trẻ em.
Ông Chính thấy "tách được vụ án là tốt nhất" để bảo đảm uy tín, danh dự, nhân phẩm và các yếu tố có lợi cho người chưa thành niên.
Đại biểu Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP HCM, cho rằng phải tách vụ án mới thực hiện được quy định của dự thảo luật về rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án của người chưa thành niên. Dự thảo đang đề xuất thời gian giải quyết vụ án bằng một nửa vụ án so với người lớn.
"Nếu để cùng một vụ án sẽ dẫn đến thời hạn tố tụng cho người chưa thành niên đã hết nhưng thời hạn tố tụng của người lớn vẫn còn. Do đó có thể dẫn tới việc không thể giải quyết được vụ án", ông Phong nói.
Theo ông Phong, phải tách vụ án mới thực hiện được yêu cầu đặt ra về tiêu chuẩn của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán khi giải quyết vụ án có người chưa thành niên. Theo kinh nghiệm thế giới, các nước đều tách vụ án có người chưa thành niên để giải quyết độc lập.
Luật Tư pháp người chưa thành niên là luật mới, đang được Quốc hội lần đầu cho ý kiến. Dự kiến luật sẽ thông qua tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa 15.
Theo Bộ luật hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng (khung 7-15 năm tù) hoặc đặc biệt nghiêm trọng (khung trên 15 năm tù, chung thân hoặc tử hình).
28 tội danh thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người, Cố ý gây thương tích, Hiếp dâm, Mua bán người, Cướp tài sản hoặc nhóm tội phạm liên quan đến ma túy...