Thông tin này được nêu trong Nghị quyết 79 của Chính phủ ngày 27/5. Trước đó, ngày 26/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường có tờ trình về xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai 2024, Nhà ở 2023, Kinh doanh bất động sản 2023 và luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Động thái trên của Chính phủ nhằm sửa điều khoản về hiệu lực thi hành, để các luật này sớm đi vào cuộc sống, thay vì từ 1/1/2025.
Hiện, ba luật gồm Đất đai 2024, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản 2023 dự kiến có hiệu lực từ 1/8, nếu được Quốc hội thông qua. Đây là các luật có tác động quan trọng, giúp gỡ nhiều vướng mắc trên thị trường bất động sản hiện nay.
Bộ trưởng Tư pháp sẽ thừa ủy quyền Thủ tướng ký tờ trình của Chính phủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ xem xét, trình Quốc hội bổ sung đề nghị xây dựng luật kể trên vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Từ đó, Quốc hội có thể xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra.
Trước đó, tại công điện ngày 26/5, Chính phủ đề nghị Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Các địa phương cần hoàn thành công việc này trong tháng 6. Yêu cầu trên nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để triển khai ngay sau khi các luật trên được Quốc hội đồng ý cho phép có hiệu lực sớm.
Hiện, hầu hết địa phương, doanh nghiệp đều mong các luật mới, tác động quan trọng với thị trường bất động sản sớm được đưa vào cuộc sống. Phó chủ tịch TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của thành phố. Những tháng đầu năm 2024, số thủ tục liên quan đến nhà đất hơn 67.000, tăng gần 19.000 hồ sơ so với cùng kỳ.
Còn theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có nhiều nội dung mới, trong đó sẽ siết chặt tình trạng phân lô bán nền tại các địa phương.
Anh Tú