Tại phiên chất vấn chiều 5/6, đại biểu Lê Đào An Xuân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên) cho rằng điện ảnh là phương thức hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước và xúc tiến du lịch. Ví dụ, phim Chuyện của Pao quảng bá hình ảnh Hà Giang, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh quảng bá cho Phú Yên. Gần đây, phim Đào, phở và piano do Nhà nước đặt hàng có chất lượng cao, truyền bá tốt lịch sử, được công chúng đón nhận.
Vì vậy, bà Xuân đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để hỗ trợ điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là các bộ phim do Nhà nước đặt hàng, nhằm giúp phim phát huy hiệu quả, đến với đông đảo khán giả.
Theo Bộ trưởng Hùng, mỗi năm ngân sách Nhà nước chỉ có khoảng 60-70 tỷ đồng để đặt hàng làm phim. Do đó, các cơ quan lựa chọn các bộ phim theo hướng duyệt kịch bản từ sớm để có những bộ phim chất lượng như Đào, phở và piano.
Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng từng cho biết Nhà nước không thể lấy phim tư nhân để chiếu phục vụ nhiệm vụ chính trị do không có tiền mua bản quyền. Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch hiện nay chỉ đặt hàng sản xuất, không có kinh phí phát hành hay tuyên truyền, quảng bá phim. Trước đây, việc phát hành do Fafim Việt Nam đảm nhiệm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này gặp nhiều vấn đề sau cổ phần hóa, hiện ngưng hoạt động.
"Hiện không có một khung pháp lý nào về việc chia phần trăm cho rạp phát hành phim Nhà nước", ông Thành nói, cho biết phim Đào, phở và piano thuộc chương trình thí điểm phát hành của Bộ, ra rạp tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, mục đích đo lường khả năng tạo doanh thu của phim Nhà nước. Sau khi tác phẩm được quan tâm, Cục Điện ảnh đã chiếu ở một số rạp tư nhân, những đơn vị đồng ý nộp 100% doanh thu vào ngân sách quốc gia.
Bộ trưởng cho biết đã "phát hiện ra điểm nghẽn" và sẽ đề xuất điều chỉnh, sửa đổi lại nghị định của Chính phủ để phim Nhà nước đặt hàng có chất lượng tốt có cơ hội ra rạp phục vụ khán giả, có doanh thu để đầu tư lại cho các tác phẩm khác.
Nhà nước đều dành kinh phí thường niên để đặt hàng các hãng phim lớn sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phim lịch sử. Nhiều bộ phim sau đó dù giới chuyên môn ghi nhận vẫn không được nhiều khán giả biết đến.
Hồi đầu năm nay, phim Đào, phở và piano do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, ca ngợi tinh thần của chiến sĩ, nhân dân Hà Nội thời bom đạn. Phim được chiếu tại Trung tâm chiếu phim quốc gia - đơn vị sự nghiệp của nhà nước có nhiệm vụ chiếu phim để phục vụ khán giả. Toàn bộ doanh thu bộ phim này phải nộp ngân sách Nhà nước.