Trong tám khu đất, có ba khu đất do Thành ủy TP HCM quản lý, gồm: số 4 Phạm Hữu Lầu (phường Phú Mỹ), diện tích 15.000 m2; số 9/5 Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông), rộng hơn 2.000 m2; khu A Khu đô thị mới Nam thành phố (phường Phú Thuận), gần 21.000 m2.
Ba khu đất khác do doanh nghiệp nhà nước quản lý gồm: khu vườn ươm Cầu Trắng (phường Tân Thuận) rộng 21.000 m2 do Công ty dịch vụ công ích quận 7 quản lý phần lớn, phần nhỏ diện tích còn lại bị 2 hộ dân xây dựng trái phép. Khu đất số 261A Lâm Văn Bền (phường Phú Thuận) có diện tích gần 6.500 m2 cũng do Công ty dịch vụ công ích quận 7 quản lý. Khu đất trống số 5/7 Nguyễn Văn Qùy (phường Tân Thuận Đông) do Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn quản lý, diện tích gần 30.000 m2.
Khu đất số 11 Đào Trí (phường Tân Thuận) rộng hơn 11.700 m2, hiện trạng đất trống do UBND quận 7 quản lý. Khu đất duy nhất do doanh nghiệp tư nhân quản lý rộng gần 29.000 m2. Năm 2014, doanh nghiệp này được thành phố giao đất làm dự án nhà ở và cam kết xây nhà cho công nhân nhưng chưa thực hiện.
Theo lãnh đạo quận 7, đề xuất xây nhà giá rẻ cho công nhân là một trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch, giúp lao động địa phương có môi trường sống tốt hơn, giải tỏa những khu nhà trọ chật hẹp, xập xệ. Nhà ở cũng là cách thu hút lao động trở lại làm việc trước tình trạng người dân ồ ạt về quê tránh dịch, khiến địa phương thiếu hụt lao động.
Với đề xuất của quận 7, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, trình phương án triển khai theo hướng thành phố sẽ quản lý và tổ chức thực hiện đúng pháp luật, đáp ứng kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của thành phố.
Hai hôm trước, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, 7, Nhà Bè và Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ xây một triệu căn nhà giá rẻ để công nhân, lao động, người thu nhập thấp tiếp cận được nhằm thay thế chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, khu nhà trọ... Cuối tuần này, Thường trực UBND thành phố nghe báo cáo chi tiết kế hoạch này.
"Thành phố đón một lượng lớn người lao động đến đây góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa có sự đầu tư đúng mức. Thời gian tới thành phố sẽ thực hiện tốt hơn", ông Mãi nói.
Theo Vụ Gia đình, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, khoảng 70% lao động đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2 một người. Hiện hơn 1,7 triệu công nhân cả nước cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân chỉ từ 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính tăng ca. 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng. Người lao động hầu như không có khả năng mua nhà, khi chi phí phòng trọ, nuôi con đã khiến họ không còn tích lũy.
Hà An