Hơn 10.000 công nhân giày da Samho Việt Nam ở Củ Chi, TP HCM nhận được thông báo tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/7. Lương công nhân lập tức về 0. Trong khi từ ngày 14 đến 30/7, họ vẫn nhận được tiền lương theo mức tối thiểu vùng 4,42 triệu đồng.
"Đó là một quyết định cực kỳ khó khăn của tập thể lãnh đạo", ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Samho Việt Nam, chia sẻ.
Lúc đó doanh nghiệp đã tạm dừng sản xuất 14 ngày vì không đảm bảo được yêu cầu phòng chống dịch của chính quyền. Nhà máy phát hiện nhiều ca nhiễm từ đầu dịch, một số xưởng phải dừng sản xuất. Đến ngày 14/7, mọi dây chuyền đều "đóng băng".
Hơn 10.000 lao động của Samho chỉ là một phần trong số hơn 1,3 triệu công nhân phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch, theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động đến giữa tháng 8. Hơn 1.000 doanh nghiệp đang phải vừa cách ly vừa sản xuất. Ngoài ra, gần 30.000 công nhân nhiễm Covid-19 tại 50 tỉnh thành. Gần 100.000 công nhân là F1; 220.000 F2 và 390.000 người trong khu vực phong tỏa.
Công ty Samho đang gấp rút nộp hồ sơ xin hỗ trợ mức tối đa 3,71 triệu đồng cho mỗi lao động với thời gian tạm hoãn hợp đồng 30 ngày. TP HCM dự kiến cách ly xã hội đến ngày 15/9. Như vậy, nhà máy sẽ ngưng hoạt động ít nhất hai tháng. Ông An tính toán, sau ngày 31/8, công nhân sẽ không còn bất kỳ khoản hỗ trợ nào, cuộc sống lâm vào khó khăn.
Tương tự, Công ty cổ phần Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai) đang phải xoay sở từng ngày để trả lương, giữ chân hơn 30.000 lao động khi nhà máy dừng sản xuất từ hôm 14/7. Từ đầu tháng 8, doanh nghiệp không còn doanh thu. 13 ngày đầu, công ty hỗ trợ công nhân theo mức tối thiểu vùng và phải cắt giảm các khoản phụ cấp. Nhà máy cùng lúc lên nhiều phương án sản xuất lại để hoàn thành các đơn hàng gấp, nhưng không được cơ quan quản lý chấp thuận.
"Trong tình thế này, doanh nghiệp phải giảm lương của người lao động về 0 vì tài chính không gồng gánh nổi", ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn, cho biết.
Công ty này cũng làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ 1,85 triệu đồng cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương dưới một tháng. Ông Phúc trăn trở, dù công đoàn cố gắng thương lượng để chủ doanh nghiệp hỗ trợ một phần lương, "nhưng chắc chắn không đủ để họ đảm bảo được cuộc sống".
Ông Phúc đề xuất dùng một phần kinh phí Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư hơn 89.100 tỷ đồng để chi cho công nhân khó khăn. Ngoài chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động (trích kinh phí từ quỹ này), có thể cân nhắc nới rộng, hỗ trợ trực tiếp cho công nhân đang lao đao vì ngừng, hoãn hợp đồng hoặc mất việc làm.
"Lâu nay doanh nghiệp, người lao động tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định pháp luật, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp cũng chỉ mong được giúp đỡ trong hoàn cảnh ngặt nghèo này", ông nói.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch công đoàn Công ty Samho Nguyễn Thanh An nói pháp luật lao động quy định trong thời gian nghỉ dịch, doanh nghiệp chỉ phải trả 70% lương cơ bản và đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu. Ngoài thời gian này, nhà máy đuối sức không chi trả thì lúc này "Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cần chìa tay ra để giúp đỡ người lao động".
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch công đoàn Khu chế xuất TP HCM, phân tích gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ tối đa 3,71 triệu cho lao động tạm hoãn hợp đồng nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên. Trong khi nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải dừng hoạt động ít nhất 2 tháng, số tiền trên không bằng lương tối thiểu vùng, không đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu cho công nhân.
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có một phần kinh phí dành cho đào tạo nghề, nhưng lúc này chính sách khó thực hiện. Trong khi người lao động cực kỳ cần tiền để "ở đâu yên đấy" và sẵn sàng đi làm trở lại khi dịch được khống chế.
"Các cơ quan nên xem xét trích một phần kinh phí hỗ trợ học nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để chia sẻ với người lao động và tiếp sức cho doanh nghiệp lúc này", ông Tuấn nói.
Theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động đã chấm dứt hợp đồng, do vậy dùng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để chi cho những công nhân thuộc diện "tạm hoãn hợp đồng" sẽ gặp vướng mắc về pháp lý. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đề xuất các cơ quan quản lý, vận hành quỹ như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát lại chính sách "xem có thể nới lỏng hoặc vận dụng được trong lúc này, rồi báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét".
Ông Huân nhìn nhận, nguyên tắc của Qũy Bảo hiểm thất nghiệp (và một số quỹ ngắn hạn khác) là có đóng - có hưởng, nghĩa là người lao động tham gia đóng vào quỹ mới được hưởng khi đủ điều kiện. Công nhân phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng phần lớn là lao động chính thức, có đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy việc trích quỹ để hỗ trợ là hoàn toàn hợp lý.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng Nhà nước có thể dùng hơn 89.100 tỷ đồng kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động tham gia đóng quỹ, tức là khoảng 13,3 triệu người.
"Việc này hoàn toàn thực hiện được, tuy nhiên phải có sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình phương án để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ", ông nói.
Thống kê của Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho thấy từ 2009 đến 2020, số lao động tham gia, người thụ hưởng, nguồn thu, nguồn chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hầu hết tăng đều qua các năm.
Tổng số tiền thu tính đến hết năm 2020 là 133.256 tỷ đồng; số chi hơn 71.000 tỷ đồng. Hơn 13,3 triệu lao động đang đóng quỹ; hơn 6,2 triệu người đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 230.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề. Quỹ hiện kết dư trên 89.100 tỷ đồng.
Lê Tuyết - Hồng Chiêu