Đây là luật được Bộ Công an đề xuất bổ sung tại Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, được Bộ Tư pháp công bố hôm 2/4.
Cụ thể, tội Sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256a) quy định, người nào từng hoặc đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật phòng, chống ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào sẽ bị phạt tù 2-3 năm. Với người tái phạm, mức phạt tăng thành 3-5 năm.
>> Xem chi tiết điều luật dự kiến sửa đổi tại đây
Bộ luật Hình sự hiện nay không còn tội danh sử dụng trái phép chất ma túy mà chỉ có các tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép... Song trước đây, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị coi là phạm tội, căn cứ điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo đó, người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ai tái phạm sẽ bị phạt 2-5 năm tù.
Tội này được bãi bỏ từ năm 2010. Sau 15 năm, hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý được đề xuất đưa trở lại Bộ luật Hình sự trong lần sửa đổi này, nhưng áp dụng với người "từng hoặc đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế".

Người cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện số 1 Thanh Hóa. Ảnh: Phạm Dự
Theo quy định hiện hành, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021, mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ một đến hai triệu đồng.
Người sử dụng trái phép chất ma túy đồng thời thực hiện thêm một trong các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép... chất ma túy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính tương ứng với những hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép... chất ma túy đó.
Tội danh thứ hai được Bộ Công an đề xuất bổ sung trong Bộ luật Hình sự là Không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 380a).
Theo đó, người nào đã có quyết định của tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc mà bỏ trốn thì bị phạt tù 2-3 năm. Người phạm tội này trong trường hợp chống lại người thi hành bản án hoặc người đang thi hành công vụ, hoặc dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt sẽ bị phạt 2-5 năm tù.
Đây là biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn quy định hiện hành. Bởi, hành vi không chấp hành việc cai nghiện ma túy bắt buộc theo bản án, quyết định của tòa đang bị xử lý ở mức cưỡng chế chấp hành. Cụ thể, theo Nghị định 116/2021, "nếu người nghiện ma túy không chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan công an cấp huyện quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để đưa người phải chấp hành đến cơ sở cai nghiện bắt buộc".
Tăng án tù, mức phạt tiền các tội liên quan ma túy
Bộ Công an lý giải việc bổ sung hai tội danh liên quan hoạt động cai nghiện ma túy nhằm "phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính răn đe, đảm bảo môi trường an toàn, bền vững cho tương lai".
Là đơn vị soạn thảo, Bộ này cũng đề xuất nâng hình phạt tù, phạt tiền với tất cả 13 tội thuộc nhóm tội phạm về ma túy, từ điều 247 đến điều 259.
Ví dụ, tội Tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) quy định án tù ở khoản 1 là 1-5 năm, song dự thảo đề xuất tăng thành 3-7 năm; khoản 2 ở mức 5-10 năm sẽ nâng thành 7-15 năm. Hình phạt tiền bổ sung được đề xuất gấp đôi, từ 5-500 triệu đồng, lên 10 triệu đến một tỷ đồng.
>> Xem chi tiết điều luật dự kiến sửa đổi tại đây

Xưởng điều chế hàng tấn ma tuý được đặt tại khu vực hẻo lánh ở Nha Trang bị công an phát hiện hôm 22/3. Ảnh: Huy Hà
Ở khung hình phạt cao nhất của nhóm tội này, Bộ Công an cũng đề xuất nâng án tù có thời hạn lên 30 năm, thay vì mức 20 năm như hiện tại. Khối lượng các chất ma túy để định khung hình phạt dự kiến sẽ hạ xuống ở một số tội danh. Điều đó có nghĩa là vi phạm với khối lượng ma túy nhỏ hơn đã có thể bị phạt tù.
Ví dụ, ở điểm đ, khoản 2, Điều 248, tội Sản xuất trái phép chất ma túy quy định án tù 7-15 năm cho hành vi sản xuất trái phép nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới một kg. Tuy nhiên, tại dự thảo lần này, Bộ Công an đề xuất, sửa định lượng thành từ 200 gam đến dưới một kg.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) thống kê năm 2024, toàn quốc có 29.928 vụ án liên quan ma túy được phát hiện, 51.938 người bị bắt giữ, tang vật thu giữ lên tới hơn 6,4 tấn các loại, gồm thuốc phiện, heroine, cần sa và ma túy tổng hợp.
Cả nước hiện có hơn 226.000 người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ. Độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, khoảng 60% người sử dụng lần đầu ở độ tuổi 15-25, trong đó có nhiều em 13-15 tuổi. Trong 95% người sử dụng ma túy tổng hợp, có tới 70-75% người ở độ tuổi 17-35; tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo gồm 3 phần, 26 chương, 433 điều. So với Bộ luật hiện hành, dự thảo giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bỏ 18 điều, bổ sung 6 điều.
Dự thảo được dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 15 vào tháng 10.
Luật Phòng chống ma túy quy định hai biện pháp cai nghiện ma túy bao gồm: cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc.
Cai nghiện ma túy tự nguyện là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy hoặc gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã.
Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện là từ đủ 6-12 tháng và có thể được hỗ trợ kinh phí.
Biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là việc sử dụng thuốc thay thế để điều trị cho người nghiện chất dạng thuốc phiện (Theo Nghị định 90/2016).
Người đang điều trị nghiện bằng thuốc thay thế nếu vi phạm quy định trong qáu rình điều trị hoặc tự ý chấm dứt điều trị, sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hải Thư