Để giúp người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng hay cân nhắc có nên coi mại dâm là một nghề là nội dung buổi tọa đàm do Hội Phòng chống AIDS, Ủy ban phòng chống AIDS và Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tổ chức ngày 28/12 tại TP HCM.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ tịch Hội phòng chống AIDS, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng việc Quốc hội quyết định không đưa người bán dâm vào trung tâm lao động xã hội là thể hiện sự nhân đạo của pháp luật. Nhưng luật xử phạt với những người này rất nặng, chưa hợp lý. "Đa số gái mại dâm đều do hoàn cảnh mới phải đi bán cái mà không bao giờ họ muốn bán. Vì vậy cần xử phạt cái anh có tiền đi mua dâm chứ không nên bắt các cô gái phải lấy tiền xương máu để nộp phạt", bà Thu đề xuất.
Một số ý kiến cho rằng nên thừa nhận mại dâm như một nghề, có khu vực hoạt động riêng để dễ quản lý. Ảnh: H.C. |
Đồng quan điểm, bà Ngô Linh, Trưởng nhóm cộng đồng Bình Minh Đêm đặt vấn đề quy định xử phạt quá cao (6-7 triệu đồng) thì liệu họ có tiền để đóng phạt hay không trong khi thực tế rất nhiều người bán dâm đang bị bạo hành tình dục. Bà Linh dẫn chứng có cô gái được đưa về nhà để phục vụ một người, nhưng khi đến nơi lại bị đến 7 ông hành hạ, không trả tiền và không cho mặc đồ về.
"Chia sẻ với chúng tôi, những chị em đó đều không biết bấu víu vào đâu, ai có thể giúp họ. Hy vọng trong tương lai sẽ có một luật sư tình nguyện hỗ trợ về pháp lý, hoặc có được một nhà tạm trú để chị em đến nhờ trong những trường hợp bị bạo hành như thế", bà Linh nói.
Còn bà An Mi, Trưởng nhóm cộng đồng Hoa Cát Tường kể, vì mức xử phạt hành chính quá cao, nhiều cô gái mại dâm bị mời về công an đã không có tiền nộp phạt nên bị bắt phải dọn dẹp vệ sinh. "Làm như vậy là kỳ thị và xúc phạm họ", bà Mi nói và cho biết cần có chế độ giúp đỡ gái bán dâm đã bỏ nghề như: cho vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm ổn định để họ không phải quay lại con đường tủi nhục.
Theo các đồng đẳng viên, hiện nay rất nhiều cô gái bán dâm bị bạo hành tình dục. Ảnh: A.N. |
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng không nên dùng từ "hoàn lương" để nói về những phụ nữ từ bỏ việc bán dâm "bởi họ không phải là tội phạm giết người, cũng không phải là kẻ cướp của". Đó chỉ là hành vi không đúng, vi phạm thuần phong mỹ tục do họ xem đó như cái nghề mưu sinh.
Là đại diện cơ quan nhà nước về phòng chống mại dâm, ông Lê Văn Quý, Phó giám đốc Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH TP HCM) cho biết, để hỗ trợ chị em bán dâm từ bỏ nghề cũ, hiện dự án "Tiến lên phía trước" sẽ cho vay mỗi người 8 triệu đồng và 30 triệu đồng đối với nhóm từ 3 đến 4 người để họ tạo công ăn việc làm mới.
"Tiền tài trợ còn hạn chế nên mỗi năm chỉ hỗ trợ được 30 suất cho các chị em. Những người được hỗ trợ đã tham gia vào các chương trình tái hòa nhập cộng đồng và được các bên như Sở LĐTB&XH, Ủy ban phòng chống AIDS và Hội Phụ nữ xét duyệt. Những trường hợp khác muốn được hỗ trợ phải liên hệ với Hội phụ nữ địa phương nhờ giúp đỡ", ông Quý cho hay.
Cũng theo ông Quý, ngày 17/10 vừa qua Chi cục đã trả tự do cho tất cả 81 cô gái bán dâm, đồng thời cấp giấy chứng nhận cho họ về địa phương để được giúp đỡ dạy nghề, giải quyết việc làm. Việc phòng chống tệ nạn mại dâm hiện nay chỉ hướng đến giải quyết các chủ chứa và những người môi giới chứ không nhắm đến người bán dâm.
Về vấn đề có nên coi mại dâm như một nghề để dễ quản lý, ông Quý cho biết trước đây TP HCM từng đề nghị cho TP một cơ chế quản lý riêng, có một khu vực dành cho hoạt động mại dâm giống như Thái Lan, Singapore... Tuy nhiên, ý kiến này đã gặp phải phản đối gay gắt, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ vì cho rằng làm vậy là ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, khuyến khích hoạt động mại dâm.
Hữu Công