Nhóm Đối thoại giáo dục tập hợp một số nhà khoa học có chuyên môn ở những lĩnh vực khác nhau (trong đó có GS Ngô Bảo Châu) vừa có bản tổng kết nghiên cứu về phương hướng cải cách đại học ở Việt Nam. Quan điểm chung của nhóm là hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần được cải cách cơ bản, sâu sắc ngay từ nguyên lý và quy tắc tổ chức chứ không chỉ thay đổi một vài chi tiết. Đây là quá trình lâu dài, liên tục, không phải là một đơn thuốc có tính công phạt.
Nhóm Đối thoại giáo dục đã tổng kết về nhiều vấn đề, theo cấu trúc đưa ra một số nhận định chung và phương pháp luận, sau đó liệt kê phương hướng, đề mục cải cách mấu chốt. Nhóm cho rằng, để đại học Việt Nam có sức phát triển, cần cải cách mô hình quản trị đại học. Hiện nay, các trường đại học công lập thuộc sở hữu toàn dân, được nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Nhà nước tiếp tục phân công bộ chủ quản (Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường đại học) thay mặt mình thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu.
Như vậy, Bộ Giáo dục đóng hai vai trò: điều tiết thông qua những quy định, quy chế chung cho tất cả trường đại học và làm chủ thông qua quyết định bổ nhiệm nhân sự chủ chốt, trong đó có ban giám hiệu các trường.
"Chúng tôi cho rằng việc Bộ Giáo dục làm 'chủ' hơn 330 trường đại học và cao đẳng công lập trên thực tế là một việc bất khả thi, tước đi của các trường đại học những nguồn lực và động cơ đáng kể. Theo một nghĩa nào đó, hơn 330 trường đại học và cao đẳng công lập ở Việt Nam chưa có 'chủ' thực sự", các nhà khoa học bình luận.
Tuy tin rằng các trường đại học Việt Nam cần có “chủ” thực sự, nhưng nhóm Đối thoại giáo dục thấy cần dè dặt khi sử dụng thuật ngữ này vì có thể bị hiểu nhầm thành chủ sở hữu đất đai và cơ sở vật chất. Vì vậy, nhóm nhấn mạnh hai thuộc tính cơ bản của sở hữu đại học là sở hữu đại học không sinh ra cổ tức, không trực tiếp sinh ra lợi nhuận; và sở hữu đại học không có tính kế thừa theo huyết thống. Những người được ủy thác làm chủ hay quản trị một đại học phải làm việc đó vì lợi ích của xã hội, hoặc vì lợi ích của địa phương, của ngành nghề mình đại diện.
Hiện tại, một số đại học Việt Nam đã có hội đồng trường, nhưng số lượng ít và những hội đồng đang tồn tại chủ yếu chỉ có chức năng tham vấn. Theo một điều tra được nhắc đến trong bài phát biểu của GS Nguyễn Minh Thuyết thì các hội đồng trường hiện tại không có quyền lực thực chất. Vào năm 2010, trong 440 trường đại học và cao đẳng được khảo sát, có chưa tới 10 trường có hội đồng trường, và trên thực tế các hội đồng này gần như không hoạt động.
Từ thực trạng trên, nhóm Đối thoại giáo dục cho rằng thay cho các hội đồng trường có vai trò tham vấn, trường đại học cần có hội đồng ủy thác (hay hội đồng tín thác board of trustees) với quyền lực tương tự hội đồng quản trị của các doanh nghiệp. Địa phương và các bộ ngành liên quan thực hiện quyền và trách nhiệm làm chủ của mình thông qua hội đồng ủy thác. Mọi quyết định quan trọng trong đó có việc chỉ định ban giám hiệu trường và đề ra những phương hướng chính sách lớn liên quan đến quyền lợi và sự phát triển của trường phải được thực hiện trong các cuộc họp của hội đồng ủy thác.
Việc thành lập hội đồng ủy thác và thiết lập cơ cấu của nó gắn liền với việc nhà nước phân quyền làm chủ đại học cho địa phương và các bộ, ngành liên quan. Nhóm tin rằng chỉ những định chế có lợi ích gắn chặt với định mệnh của một trường đại học mới thực hiện tốt vai trò làm chủ.
"Việc phân quyền làm 'chủ' đại học cho địa phương có rất nhiều thuận lợi. Trước tiên là tăng thêm tính lành mạnh trong cạnh tranh giữa các tỉnh thành phố, cũng như gia tăng tính thận trọng trong cân nhắc nhu cầu thực, tính khả thi của việc xây dựng đại học của địa phương mình. Có một đại học mạnh cũng là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của địa phương hoặc vùng", nhóm kết luận và khẳng định chỉ có sự cạnh tranh xuất phát từ nhu cầu thực mới đem lại nguồn lực thực sự cho đại học.
Ngoài ra, địa phương là nơi có khả năng tốt nhất để vận động được sự ủng hộ xã hội cho trường. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân sẽ sẵn lòng hơn trong việc đóng góp tiền của xây dựng đại học, nếu đại học đó là của quê hương, hay địa phương mà họ gắn bó. Để huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội, thuộc tính phi lợi nhuận của trường đại học cũng cần được thể chế hoá trong mô hình quản trị mới.
Giao đại học về cho địa phương còn giúp quá trình phân cấp không dẫn đến sự phát triển ào ạt và sự suy giảm chất lượng của các trường, đảm bảo chất lượng đào tạo; tất cả trường đại học cần được kiểm định chất lượng định kỳ và nếu cần thiết phải bị đóng cửa nếu không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng.
Theo các thành viên nhóm Đối thoại giáo dục, việc giao đại học về địa phương có thể bắt đầu từ các tỉnh thành phố có khả năng tự chủ ngân sách. Có thể xem xét việc cho phép địa phương trích lập quỹ hỗ trợ giáo dục đại học từ khoản ngân sách địa phương phải chuyển về trung ương nếu địa phương cam kết bảo trợ tài chính cho đại học mình làm chủ. Khi ấy, trách nhiệm đảm bảo tài chính cho việc vận hành trường của nhà nước sẽ giảm bớt một cách tương ứng.
"Với việc cải cách quản trị đại học như ở trên, vai trò của các Bộ chủ quản sẽ được tập trung vào trách nhiệm điều phối, điều tiết ở tầm quốc gia", nhóm khẳng định.
Nhóm đối thoại giáo dục bao gồm 12 thành viên: Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Mỹ), Đỗ Quốc Anh (Học viện Nghiên cứu Chính trị SciencesPo, Paris, Pháp), Vũ Thành Tự Anh (Đại học Princeton, Mỹ và Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Việt Nam), Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago, Mỹ và Viện nghiên cứu cao cấp về toán, Việt Nam), Lê Hồng Giang (Sydney), Phạm Hiệp (Đại học Văn Hoá Trung Hoa, Đài Loan), Ngô Quang Hưng (Đại học bang New York ở Buffalo, Mỹ), Phạm Ngọc Thắng (Hà Nội), Phạm Hữu Tiệp (Đại học Arizona, Mỹ), Trịnh Hữu Tuệ (Đại học Wisconsin tại Milwaukee, Mỹ), Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ) và Nguyễn Phương Văn (TP HCM). |
Hoàng Thùy