Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang dự thảo báo cáo "Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cố phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng".
Trong buổi làm việc giữa CIEM với Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), các chuyên gia cho biết giới hạn lệ sở hữu vốn ngoài đang làm khó các ngân hàng trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược.
Nhiều ngân hàng thương mại cho biết, việc lựa chọn đối tác chiến lược đã khó, đến khi tới được vòng đàm phán lại "vướng" các điều kiện giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Quy định hiện nay giới hạn tỷ lệ sở hữu của cá nhân nước ngoài tại ngân hàng là 5% vốn điều lệ, với tổ chức là 15%, còn với nhà đầu tư chiến lược là 20%. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ nhà băng. "Room" ngoại tối đa tại các ngân hàng thương mại là 30%.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA, khung pháp lý cũng cần điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho các nhà băng khi tiếp nhà đầu tư chiến lược.
"Việc quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài cần được phân loại theo nhóm, với nhóm các ngân hàng thương mại có thể nới 'room' tùy theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước", ông Hùng cho biết. Ngân hàng đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như quy định hiện nay.
Mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư là nhắm tới sức khỏe của các ngân hàng kèm theo năng lực quản trị chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Việc triển khai Basel II mở ra cơ hội tìm kiếm và gọi vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2017 đến năm 2020, số cổ đông nước ngoài tại 16 ngân hàng thương mại tăng từ 42 lên khoảng 90 tổ chức. Sự hỗ trợ của các nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh giúp các ngân hàng tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Tới nay, việc chỉ một nửa ngân hàng có cổ đông chiến lược theo các chuyên gia là số lượng "khiêm tốn", cần có cơ chế để thúc đẩy kênh gọi vốn này, đặc biệt trong bối cảnh các nhà băng đẩy mạnh chuyển đổi số.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, việc xem xét nới room ngoại là cần thiết nhưng cần đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư và vai trò quản lý nhà nước.
Nhiều ngân hàng đã và đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược như VietCapitalBank, NamABank, VIB, ACB, Techcombank, VPbank, HDBank... Một số buộc phải khóa "room" ngoại để "giữ chỗ" trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Đơn cử, VPBank, sau 8 năm chia tay với nhà đầu tư chiến lược OCBC, cũng đang tìm đối tác mới và khóa "room" ở mức 15% trong năm nay. Tương tự, HDBank khóa "room" xuống 21,5%, VietCapitalBank khóa ở 5%.
Quỳnh Trang