Tại hội thảo Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch sáng 19/10, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia, nói ngành du lịch Việt Nam dù được coi là mũi nhọn nhưng còn hạn chế về năng lực và chất lượng. Một trong những nguyên nhân là ngành chưa được tạo không gian pháp lý thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng.
Khung pháp lý trong cấp đất cho dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập. Pháp luật cho phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án du lịch, thương mại dịch vụ, tuy nhiên cơ chế thu hồi đất với loại dự án này chưa có. Doanh nghiệp du lịch chỉ có thể tiếp cận quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng hoặc đấu giá đất mà không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu.
Hình thức đấu giá đất phụ thuộc vào quỹ đất do địa phương nắm giữ cũng như khả năng thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng. "Đây là vướng mắc rất lớn, khiến nhiều nhà đầu tư e ngại", ông Lực chia sẻ.
Dự thảo Luật Đất đai quy định 30 trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, nhưng không có dự án du lịch, vui chơi, giải trí. Theo ông Lực, du lịch có vai trò quan trọng với kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. Vì vậy cần có cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất và thực hiện đấu thầu, đấu giá cho dự án du lịch hoặc nhà ở, khu đô thị kết hợp du lịch, thương mại dịch vụ, để thu hút đầu tư.
"Không quy định lĩnh vực du lịch thuộc diện thu hồi đất có thể khiến việc tìm kiếm các nguồn quỹ đất cho dự án quy mô lớn có thể tiếp tục gặp khó khăn, trở thành rào cản phát triển", TS Lực nêu quan điểm và lưu ý quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc xác định dự án du lịch lớn, đóng góp vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Chia sẻ quan điểm nêu trên, GS Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân, phân tích trong các văn bản của Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh thu hồi đất phải gắn với bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Người dân có đất bị thu hồi có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. "Nghĩa là khi thu hồi đất, Nhà nước phải bồi thường, bù đắp lại tất cả thiệt hại cho người dân để họ được đảm bảo quyền lợi", ông nói.
Ông Cường dẫn nhiều trường hợp trước đây do áp dụng khung và bảng giá thấp, không đúng với giá thị trường nên người dân rất sợ bị thu hồi đất. Nếu thực hiện được đúng chủ trương của Đảng để người dân có cuộc sống tốt hơn thì không còn mâu thuẫn xã hội trong vấn đề thu hồi đất. Khi thực hiện được đúng chủ trương trên thì có thể đưa các dự án du lịch lớn vào diện được Nhà nước thu hồi đất.
GS Cường cũng cho rằng khi doanh nghiệp tự thỏa thuận để thực hiện dự án thì người dân có nhiều quyền lựa chọn. Nhưng không phải mọi người dân đều có đủ năng lực đàm phán sòng phẳng với nhà đầu tư. Khi đó, người dân chưa chắc được đảm bảo đủ quyền lợi như Nhà nước thu hồi đất.
Hơn nữa, làm du lịch là đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, nếu để nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó các dự án du lịch tạo nhiều công ăn, việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống người dân trong vùng, có thể xem xét là mang lại lợi ích quốc gia, công cộng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, góp ý với các dự án du lịch quy mô từ 300 ha cần đưa vào diện được Nhà nước thu hồi đất chứ không thể phó mặc nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ nói thêm các dự án phát triển nhà ở thương mại, đô thị cũng được thu hồi đất thì du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cần được áp dụng chính sách này.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 23/10.
Nguyên Phong