Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 29/3, giải thích cho đề xuất trên, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói hiện nay Việt Nam chưa được đầu tư trường quay. Có một số trường quay nhân sự kiện 1.500 Thăng Long - Hà Nội, song đó "chưa phải là trường quay của quốc gia". Ông mong đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt để có trường quay hiện đại với không gian phù hợp, đầy đủ như một số quốc gia. "Như vậy sẽ tạo điều kiện cho điện ảnh và cho tất cả đoàn làm phim. Chúng tôi rất mong có được khoản đầu tư ban đầu của Nhà nước để giúp cho ngành điện ảnh phát triển", ông Hùng nói.
Cho rằng công năng sử dụng của các trường quay do ngân sách Nhà nước đầu tư chưa đạt yêu cầu, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách) đề nghị cân nhắc lại chính sách. Luật Điện ảnh năm 2006 đã quy định nội dung hỗ trợ xây dựng trường quay và trước năm 2015 đã có chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu về văn hóa đầu tư cho các dự án liên quan đến điện ảnh. "Tuy nhiên, trên thực tế những công trình, dự án sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước tôi thấy không hiệu quả", bà Hà đánh giá.
Nữ đại biểu dẫn chứng, báo cáo tổng kết 14 năm thi hành Luật Điện ảnh của Chính phủ nêu rõ thời gian qua, phần lớn nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị điện ảnh là từ doanh nghiệp điện ảnh và từ tập đoàn đầu tư nước ngoài. Trong tổng số phòng chiếu đến cuối năm 2020 thì số phòng thuộc thành phần kinh tế nhà nước chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại hơn 80% của các thành phần kinh tế khác, chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài.
Các rạp chiếu phim, trung tâm chiếu phim, trường quay được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước thời gian qua đều không đạt được công năng sử dụng như yêu cầu. Nguồn thu chủ yếu của các cơ sở này là những dịch vụ khác. Bên cạnh đó, muốn đầu tư sản xuất phim tại các trường quay cũng yêu cầu nguồn lực lớn, phải có nền điện ảnh chuyên nghiệp.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho hay, Nhà nước đã đầu tư cho Hãng phim Giải phóng một trường quay lớn "nhưng cơ bản không có nhà sản xuất vào thuê" để sản xuất phim, nhiều trang thiết bị đến nay chưa được sử dụng. Trong khi đó, trường quay Cổ Loa trong quy hoạch phát triển điện ảnh là phải xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. "Tôi thấy cần xem xét, đánh giá lại xem những vướng mắc trong triển khai là gì, vì trước đây cũng mong muốn đầu tư để xây dựng trường quay này rồi", bà nói.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Thường trực Ủy ban Xã hội) đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm sự đột phá, sự phát triển khác biệt về trường quay sau khi sửa đổi Luật Điện ảnh.
Giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thừa nhận để phát triển công nghiệp điện ảnh thì nguồn lực là vấn đề "rất quan trọng", trong đó trường quay có ảnh hưởng lớn. Do vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ ba khai mạc tháng 5.
Hoàng Thùy - Sơn Hà