Đây là điểm mới được Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật.
Tại báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, quá trình góp ý, các đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ nên quy định quyền sở hữu nhà tại Việt Nam của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, quy định về gia hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Vì thế, cơ quan này kiến nghị Chính phủ sửa quy định, theo hướng người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở có thời hạn (như luật hiện hành) nhưng không gắn với quyền sử dụng đất và chỉ được gia hạn sở hữu nhà một lần. Những người Việt mua lại nhà ở của người nước ngoài được hưởng quyền, nghĩa vụ như công dân trong nước.
Theo Luật Nhà ở 2014 đang áp dụng, người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà tại Việt Nam qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, thừa kế... và chỉ được mua nhà (căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ) trong các dự án thương mại nhưng trừ khu vực an ninh, quốc phòng. Người nước ngoài được mua tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư và không quá 10% số lượng biệt thự, nhà riêng lẻ trong dự án.
Số liệu hồi tháng 6 của Bộ Xây dựng cho biết, lượng người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại Việt Nam chỉ khoảng 3.000 căn, chủ yếu là chung cư, sau 9 năm luật có hiệu lực.
Về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Bộ Xây dựng cho biết sẽ luật hóa quy định về cưỡng chế, di dời, phá dỡ chung cư cũ, Nhà nước có trách nhiệm kiểm định chất lượng nhà chung cư thay vì người dân phải đóng góp kinh phí.
Cơ quan soạn thảo cũng kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ sau khi bố trí căn hộ tái định cư cho cư dân, thì được bán số căn hộ còn lại của dự án.
Tranh chấp trong sử dụng, quản lý chung cư vừa qua gây bức xúc với người sử dụng nhà, Bộ Xây dựng cũng đề xuất Chính phủ bổ sung quy định để khắc phục tồn tại này. Theo đó, kinh phí từ khai thác dịch vụ phần sở hữu chung sẽ được bổ sung vào kinh phí bảo trì; bỏ quy định sẽ ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước khi không đóng kinh phí bảo trì.
Bên cạnh đó, bổ sung thêm một số quy định về giải quyết tranh chấp, như trường hợp chủ đầu tư nếu không xác định rõ diện tích chung, riêng trong hợp đồng thì các phần diện tích này được xác định theo luật, để bảo vệ cư dân, tránh tranh chấp khiếu kiện.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ Xây dựng đề xuất sửa theo hướng quy định Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc nhóm được hỗ trợ thuê nhà ở xã hội. Bộ sẽ cùng Tổng Liên đoàn xác định nguồn vốn sử dụng để đầu tư xây dựng (vốn công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, hay vốn khác); chủ sở hữu của quỹ nhà ở xã hội này sẽ thuộc về ai, có phải sở hữu Nhà nước hay không...
Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp thứ 25, chiều 25/8.