Đề xuất do ông Nguyễn Đình Thi, hiệu trưởng, đưa ra tại buổi làm việc giữa trường này với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, hôm 6/3. Thông tin này gây xôn xao khi được nhiều người chia sẻ, cho rằng nội hàm của hai khái niệm khác nhau, không thể quy đổi tương đương.
Ông Thi cho hay, ông đề xuất các nghệ sĩ nhân dân đã có bằng thạc sĩ tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội được tính điểm tương đương như tiến sĩ để phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xác định chỉ tiêu và điều kiện mở ngành. Việc này hoàn toàn không có ý định hạ thấp học vị tiến sĩ và không đánh đồng học vị tiến sĩ với danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.
Theo ông Thi, số giảng viên cơ hữu ở các trường văn hóa nghệ thuật hiện rất ít, do cắt giảm biên chế. Các trường phải mở rộng mời giảng viên thỉnh giảng ở bên ngoài. Tuy nhiên, quy định mỗi ngành phải có 5 giảng viên trình độ tiến sĩ thì các trường rất khó đáp ứng.
"Việc nghệ sĩ nhân dân tham gia giảng dạy trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nói riêng là cần thiết. Họ là những người nhiều kinh nghiệm thực tiễn để hướng dẫn cho sinh viên làm nghề", ông Thi nói, cho biết đề xuất của mình là để các nghệ sĩ nhân dân được tham gia vào việc giảng dạy thạc sĩ, tiến sĩ.
Ngoài đề xuất nêu trên, ông Thi còn đề nghị hạ tiêu chuẩn công bố bài báo khoa học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người hướng dẫn tiến sĩ phải là tác giả chính của bài báo khoa học đăng trên những tạp chí được Hội đồng giáo sư nhà nước tính 0,75 điểm trở lên. Ông Thi cho rằng, với ngành nghệ thuật chỉ nên yêu cầu với tạp chí 0,5 điểm.
Tối 7/3, TS Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết Luật Giáo dục đã quy định rất rõ trình độ của giảng viên ở các cấp độ khác nhau. Giảng viên đại học phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Để đào tạo thạc sĩ, giảng viên phải có trình độ tiến sĩ trở lên và để giảng dạy tiến sĩ thì phải có trình độ ít nhất là tiến sĩ hoặc học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Ông Nghệ nói để có được học vị tiến sĩ, người học phải vượt qua kỳ tuyển sinh và hoàn thành chương trình đào tạo chặt chẽ, nghiêm túc. Trong khi đó, nghệ sĩ nhân dân là một danh hiệu được nhà nước phong tặng, thường dành cho diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật.
Theo ông Nghệ, tiêu chí để cấp bằng tiến sĩ và phong tặng nghệ sĩ nhân dân hoàn toàn khác nhau. Nhiều người có thể là tiến sĩ, giáo sư nhưng chưa chắc được phong tặng nghệ sĩ nhân dân, và ngược lại nghệ sĩ nhân dân nếu không hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ thì không bao giờ có được bằng tiến sĩ.
"Đây là hai phạm trù, hai thước đo khác nhau, để quy tương đương là rất vô lý. Đặc biệt, trong giảng dạy, không thể nào thay tiến sĩ bằng nghệ sĩ nhân dân được", ông Nghệ nói.
Việt Nam hiện có 232 trường đại học. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là hơn 31%. Bộ Giáo dục và Đào tạo nói tỷ lệ này thấp so với thế giới.
Bình Minh - Nhật Lệ