Sáng 13/6, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đã giải thích thêm về đề xuất "công dân Việt Nam ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD mỗi người khi xuất cảnh".
Ông Hưng nói, dự án Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam cần đề cập đến nghĩa vụ, quyền hạn của công dân và các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
"Đây là khoản phí không nhiều, chỉ bằng một bữa ăn sáng thôi, nhưng sẽ góp phần tăng cường nguồn lực cho công tác bảo hộ công dân và là sự chung tay giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài", ông Hưng nói và nhấn mạnh, khi hình ảnh đất nước nâng lên, công dân ra nước ngoài sẽ được tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Ngoài ra, theo ông Hưng, khoản phí này cũng sẽ giúp hiện đại hóa trang thiết bị và thái độ phục vụ người dân của cơ quan xuất, nhập cảnh; hạn chế tình trạng chờ đợi làm thủ tục.
Ông Hưng thông tin, hiện nhiều nước đã huy động nguồn lực xã hội hóa để quảng bá, thu hút du khách, trong khi đó, nguồn lực của Việt Nam rất ít; mỗi năm Nhà nước chỉ dành khoảng 2 triệu USD cho quỹ xúc tiến du lịch quốc gia. Một số nước cũng đã lập quỹ từ đóng góp của người dân để dùng vào việc bảo hộ, đảm bảo quyền lợi của công dân khi ở nước ngoài.
Thực tế thời gian qua, có trường hợp công dân Việt Nam khi ra nước ngoài gặp tai nạn song không nằm trong diện được hưởng bảo hiểm xã hội, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài muốn hỗ trợ thì phải có nguồn lực rất lớn.
"Đề xuất trên là mong muốn của tôi, còn câu từ, cách thức như thế nào thì cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu cụ thể", ông Hưng nói.
Ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, đề xuất của ông Hưng đã có một số nước áp dụng. Tuy nhiên, mỗi giải pháp có thể đúng ở đất nước này song chưa chắc đã áp dụng tốt ở quốc gia khác. Vì vậy, áp dụng những kinh nghiệm của nước ngoài vào Việt Nam cần phải có đánh giá tác động, cân nhắc thận trọng xem phù hợp hay không.
"Đề xuất là quyền của đại biểu, còn đề xuất đó có nhận được sự ủng hộ hay không còn phụ thuộc vào quá trình xem xét của ban soạn thảo. Đề xuất phải thuyết phục số đông đại biểu thì mới được đưa vào luật", ông Thắng nói.
Ông Phạm Văn Hoà - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp nhận xét, đề xuất phí chia tay dù chỉ 3 đến 5 USD, song là vấn đề tế nhị nên cần phải lấy ý kiến công dân, "xem người xuất cảnh có vui vẻ chấp nhận khoản phí này không?".
"Anh Hưng nói khoản phí này sẽ giúp đầu tư máy móc để đảm bảo công dân xuất cảnh được phục vụ chu đáo hơn, nhân viên xuất nhập cảnh tươi cười, ân cần hơn. Tôi thấy không hợp lý vì đầu tư thiết bị và chế độ, chính sách đã có ngân sách chi trả", ông Hòa nói.
Từ góc độ chuyên gia, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nhận xét "phí chia tay" không khả thi, gây ra sự phản cảm, khó được mọi người chấp nhận.
Theo bà Hồng, nếu Nhà nước muốn thu thêm phí để quảng bá du lịch thì phải công bố kế hoạch thu - chi, phân bố nguồn tiền này như thế nào? "Lâu nay việc quản lý nhiều nguồn thu - chi của các cơ quan chức năng không đủ minh mạch nên người dân chưa tin tưởng để đóng góp", bà Hồng nói.
Sáng 12/6, cho ý kiến vào dự thảo Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề xuất Nhà nước thu phí khi xuất cảnh vì một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất, nhập cảnh để điều chỉnh lĩnh vực này. Đơn cử, năm ngoái Quốc hội Nhật Bản ban hành đạo luật quy định mỗi công dân ra nước ngoài thì phải đóng một loại phí (gọi là phí chia tay hay phí du lịch) 1.000 yên mỗi người (khoảng 9,3 USD).
"Chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu khoảng 400 triệu USD từ loại phí trên, để đầu tư một số dự án phát triển ngành du lịch cũng như giúp cho việc xuất, nhập cảnh của công dân tốt hơn", ông Hưng nói.
Từ thực tế trên, ông Hưng đề xuất "công dân Việt Nam ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD mỗi người khi xuất cảnh".
Dự thảo luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm 2019.