Sáng 12/6, trên 96% đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi).
Theo đó, tố cáo là việc cá nhân căn cứ thủ tục quy định của Luật này báo cho nhà chức trách biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Về hình thức tố cáo, Luật giữ quy định như lâu nay cho dù trước đó Ban soạn thảo có đề xuất mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại…
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay, quá trình thảo luận, đa số ý kiến đề nghị giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành là bằng đơn và đến trực tiếp để bảo đảm tính khả thi; việc mở rộng hình thức tố cáo như nêu trên chỉ được một số ý kiến ủng hộ.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu để giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành", ông Định nói.
Đối với những thông tin tố cáo theo cách thức khác với quy định của Luật, nếu nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật (Điều 25 của Luật).
Luật dành một chương để quy định về bảo vệ người tố cáo, bao gồm bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo (vợ hoặc chồng, con đẻ của họ...). Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp tự tiết lộ.
Trước đó tại phiên thảo luận ngày 24/5, nhiều đại biểu góp ý xung quanh đề xuất mở rộng hình thức tố cáo. Đại biểu Trần Văn Mão cho hay, thực tiễn nhiều năm qua với hai hình thức tiếp nhận thông tin tố cáo truyền thống, qua giải quyết cho thấy tỷ lệ tố cáo đúng chưa tới 20%, tới đây mở rộng ra thì tỷ lệ này có thể còn thấp hơn.
"Chỉ một cú điện thoại hay một tin nhắn mà chúng ta phải huy động các lực lượng giải quyết trong thời gian dài thì có nên không, Quốc hội cần cân nhắc điều này", ông Mão nói.
Tuy nhiên, Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho rằng tố cáo là quyền Hiến định, do vậy Nhà nước cần tạo điều kiện cho công dân tố cáo và cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời đầy đủ. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng "bây giờ là thời đại 4.0 mà không sử dụng điện thoại thông minh thì sẽ quay về thời kỳ 0.4". Ông nêu quan điểm, không thể vì cơ quan chức năng thấy khó khăn mà thoái thác quyền tố cáo của người dân.
Luật Tố cáo (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2019. Với các vụ đã thụ lý, đang xem xét và chưa có kết luận trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo 2013.
Dự thảo Luật tố cáo trình Quốc hội thông qua
Võ Hải