Nội dung miễn trừ trách nhiệm cho cá nhân được điều động tham gia xử lý ngân hàng yếu kém đang bị kiểm soát đặc biệt vừa được Chính phủ nêu ra trong Dự án sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng.
Theo đó, người được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia cơ cấu lại nhà băng bị kiểm soát đặc biệt được pháp luật bảo vệ, miễn trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trung thực, đúng quy định pháp luật, đúng phương án được duyệt nhưng không đạt mục tiêu. Tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/9, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, vì tâm lý e ngại bị xử lý, thậm chí xử lý hình sự, mà nhiều cán bộ giỏi e ngại không dám tham gia hỗ trợ nhà băng yếu kém.
Thay mặt cơ quan thẩm tra luật, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội thừa nhận xử lý ngân hàng yếu kém là một công việc rất khó trong khi quy định pháp luật chưa đầy đủ và một số trường hợp đã gặp rủi ro pháp lý. Theo ông Thanh, để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng tham gia tái cơ cấu, việc có quy định về miễn trách nhiệm cho người tham gia là rất cần thiết.
"Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát quy định những nguyên tắc, trường hợp cụ thể tránh lợi dụng quy định miễn trừ này", ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần làm rõ trách nhiệm được miễn là trách nhiệm hành chính hay dân sự, hình sự bởi có thể liên quan đến sửa đổi Luật Công chức. Còn Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì đề nghị tạm thời chưa nên đưa nội dung này vào Luật mà cần tìm hiểu thêm bởi cần tránh việc lợi dụng quy định này.
Cũng liên quan đến cơ chế xử lý nhanh các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Lê Minh Hưng đề xuất có những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển nhượng tài sản cho các nhà đầu tư nước ngoài - những đối tượng đang được Việt Nam ngỏ ý mua lại các ngân hàng 0 đồng. Để không phải dùng đến ngân sách, theo ông cần các nhà đầu tư nước ngoài, có tiềm lực tài chính nhằm mang vào lượng tiền thật để xử lý.
"Việc đàm phán với các đối tác nước ngoài đang rất khó khăn, cần phải xem đây là việc mình mời họ vào xử lý chứ không phải một giao dịch mua bán thông thường nên cần có chính sách tổng thể để khuyến khích", ông Lê Minh Hưng nói.
Chia sẻ về sự cần thiết của yêu cầu này nhưng các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn thống nhất không nên đề cập các vấn đề về chính sách thuế trong dự án sửa Luật các tổ chức tín dụng lần này mà để dành khi sửa các Luật về Thuế nhằm tránh "băm nát các Luật về Thuế".
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt có thể sẽ được vay vốn từ Bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng chính sách xã hội. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đề xuất này là hợp lý bởi trong điều kiện không dùng trực tiếp ngân sách nhà nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu thì phải có các biện pháp hỗ trợ giúp họ có triển vọng phục hồi, tránh nguy cơ đổ vỡ gây mất an toàn hệ thống.