Góp ý hoàn thiện dự án Luật Đường bộ tại phiên làm việc của Quốc hội sáng 21/5, bà Thủy cho rằng làm được việc này sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc tại các đô thị.
Bên cạnh đó, áp dụng thu phí xe ôtô vào nội đô sẽ bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.
Theo bà Thủy, hiện nay cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều được phép quy định các loại phí chưa được nêu trong luật. Hà Nội, TP HCM đã xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Thế nhưng do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng nên việc triển khai còn khá dè dặt.
Vì vậy, bà cho rằng nếu Luật Đường bộ và Luật Phí, lệ phí có quy định về loại phí này, sau đó giao cho HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, mức áp dụng sẽ giúp các địa phương triển khai thuận lợi.
Đề án thu phí vào nội đô ở các thành phố lớn từng nhiều lần được đề xuất, bàn thảo. Năm 2017, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết thông qua đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030", trong đó có giải pháp thu phí vào nội đô.
Tháng 4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48 về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giai đoạn 2022-2025, giao một số thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí nội đô. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.
Cần dỡ trạm thu phí đã dừng hoạt động
Phó đoàn Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc chỉ ra thực trạng nhiều trạm thu phí đã ngừng hoạt động song không được tháo dỡ. Tại đó, "ánh sáng rất mờ" làm cản trở người tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. "Mọi thiệt hại nếu có đều thuộc về người tham gia giao thông. Mặc dù cử tri đã kiến nghị, phản ánh rất nhiều nhưng việc này chưa được xử lý", bà Phúc nói.
Do đó, nữ đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ cần bổ sung quy định trách nhiệm tháo dỡ, trả lại mặt bằng với các trạm thu phí đã dừng hoạt động, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Điều 39 dự thảo Luật Đường bộ quy định, trạm thu phí đường bộ là nơi thu tiền sử dụng đường bộ với phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ. Dự thảo chưa có điều khoản quy định về trạm thu phí dừng hoạt động và trách nhiệm các bên liên quan.
Trong tổng số 140 dự án BOT trên cả nước, hiện 8 dự án có trạm thu phí còn vướng mắc, cần xử lý. Trong đó, dự án BOT quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa đã hoàn thành nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nên chưa được thu phí. Hai dự án trên quốc lộ 3 và 91 cũng có bất cập nên chưa được thu phí.
Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất Chính phủ bố trí 10.650 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ 8 dự án BOT gặp khó khăn do thay đổi chính sách hoặc bị người dân phản đối. Trường hợp không thể cân đối, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để xử lý.
Dự thảo Luật Đường bộ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp 7 đang diễn ra. Dự thảo Luật hiện nay có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Đường bộ có nhiều điểm mới như thay đổi phạm vi điều chỉnh, quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
Luật có một chương nói về đường cao tốc, bổ sung quy định mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa với các dự án đường cao tốc đã được đầu tư theo phương thức PPP.