"Không thể để xảy ra tình trạng Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ, làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và địa phương khác", ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, nêu vấn đề tại tọa đàm Nghị quyết 128, hướng tới bình thường mới, sáng 18/10.
Ông Nhưỡng cho biết đã trực tiếp đến các chốt kiểm soát liên tỉnh và nhận thấy các chốt này "không có giá trị về mặt dịch tễ"; về mặt giao thông vận tải "thì càng tệ". Vì vậy, việc duy trì các chốt được xem xét khi thực hiện quy định của Chính phủ về thích ứng an toàn.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Giao thông Vận tải, cho rằng việc các địa phương đặt ra biện pháp kiểm soát khác nhau với việc đi lại của người dân "chính là điểm nghẽn mà người dân, doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay".
Theo ông Thọ, trước đây các chốt kiểm dịch được lập ra để kiểm soát về dịch tễ với người điều khiển phương tiện, chứ không phải kiểm tra phương tiện. "Hai vấn đề này khác nhau rất rõ ràng, nhưng vẫn có nơi nhầm lẫn", ông nói.
Dù ngành y tế đã có quy định rõ ràng, nhưng các chốt kiểm dịch ở địa phương lại triển khai thực hiện mỗi nơi một kiểu "gây ra bức xúc rất lớn". Ông dẫn chứng, một chốt kiểm soát dừng mỗi xe 5 phút trên đường để kiểm tra, thì hàng loạt xe khác phía sau phải dừng lại chờ đợi hàng giờ, kéo dài hàng km.
Ngành y tế đã quy định giấy xét nghiệm cho tài xế có giá trị 72h, nhưng có địa phương chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm trong 24h, 48h. Vì vậy, khi thích ứng an toàn, "dứt khoát chúng ta phải giải quyết bất cập này".
Thứ trưởng Giao thông Vận tải cũng đề nghị các tỉnh, thành sớm công khai cấp độ thích ứng an toàn. "Không chỉ đánh giá ở cấp tỉnh, mà cả cấp huyện, xã, thôn, xóm, qua đó người dân biết được việc đi lại, xét nghiệm, cách ly sẽ như thế nào khi đối chiếu quy định", ông Thọ nói.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý việc giám sát y tế với người đến từ địa phương khác, người nhập cảnh phải tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, không xét nghiệm với việc đi lại của người dân. Người dân chỉ được xét nghiệm khi đến từ địa bàn cấp 4 hoặc khu phong tỏa. Người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.
"Các địa phương được linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nhưng không trái với quy định của Trung ương và gây ách tắc giao thông, cản trở việc đi lại của người dân", ông Tuyên nhắc lại.
Theo ông, khi độ bao phủ vaccine trên cả nước đang tăng lên, việc chuyển hướng chiến lược từ zero Covid sang thích ứng an toàn là phù hợp. Giải pháp để thích ứng an toàn là phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng hẹp nhất có thể, chỉ một vài hộ gia đình. Các địa phương hạn chế phong tỏa kéo dài trên diện rộng. F1 có thể được cách ly tại nhà, thay vì bắt buộc phải cách ly tập trung như trước.
Quy định về thích ứng an toàn Covid-19 do Chính phủ ban hành ngày 11/10, phân loại bốn cấp độ nguy cơ gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Hiện nhiều địa phương đã phân loại cấp độ dịch. Cụ thể, các tỉnh, thành cấp 1 (bình thường mới), gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Ninh, Bình Thuận, Nam Định... Các tỉnh, thành cấp 2 (nguy cơ trung bình), gồm: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đà Nẵng, Long An, Bình Phước... TP HCM ở cấp 3 (nguy cơ cao).
Tuy nhiên, còn nhiều tỉnh, thành chưa công bố cấp độ nguy cơ và các biện pháp tương ứng.