"Vấn nạn ở nhiều trường phổ thông hiện là lạm thu, ở cấp càng nhỏ thì lạm thu càng nhiều. Việc sử dụng quỹ ra sao, cơ chế giám sát như thế nào ít phụ huynh dám lên tiếng vì thầy cô đang quản lý con mình", ông Minh nói tại hội thảo Hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai Luật Giáo dục 2019 do Đại học Luật TP HCM tổ chức ngày 22/11.
Theo ông Minh, quỹ phụ huynh bản chất là dạng quỹ uỷ thác, tương tự quỹ chung cư, quỹ hội nhóm. Bộ luật Dân sự hiện thiếu hẳn các điều khoản giải quyết nguồn tiền này, nhưng một số luật chuyên ngành vẫn quy định rõ, chẳng hạn Luật Nhà ở có quy định về quỹ chung cư. Nhưng Luật Giáo dục và văn bản hướng dẫn chưa rõ quỹ phụ huynh, do đó việc soạn thảo văn bản hướng dẫn luật này cần xem xét.
Ông Minh cũng đặt vấn đề trách nhiệm trong trường phổ thông từ sự việc ở trường Gateway (Hà Nội). "Phụ huynh đóng tiền để trường thuê xe đưa đón học sinh, vậy trường có thể đổ hết trách nhiệm bên ngoài được không?", ông Minh nói và cho rằng nếu không giải quyết rõ ràng mối quan hệ liên đới này sẽ xảy ra nhiều sự việc tương tự khác. Có thể các trường sẽ thuê doanh nghiệp "sân sau" làm các dịch vụ đưa đón, suất ăn... cho học sinh, khi xảy ra sự cố thì phủi trách nhiệm.
Dưới góc nhìn người quản lý giáo dục, ông Trần Minh Ngôn (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 4) nêu thực tế các trường phổ thông hiện khó khăn vì thiếu nhân sự theo chủ trương tinh giản biên chế. Bốn vị trí việc làm ở mỗi trường thủ quỹ, kế toán, văn thư, y tế học đường nhưng chỉ được tuyển hai lao động.
Vị trí kế toán, y tế cũng không nằm trong biên chế mà chỉ thuê theo hợp đồng khoán nên họ không có sự gắn bó với trường. "Hai năm nay tôi tranh luận với Phó giám đốc Sở Nội vụ rằng ngành giáo dục là đặc thù, lớp học, học sinh vẫn tăng, giảm người thì không thể làm", ông Ngôn cho biết.
Tại hội thảo, vấn đề sách giáo khoa được nhiều người quan tâm. Chương trình giáo dục phổ thông có nhiều bộ sách giáo khoa, việc lựa chọn sách được UBND cấp tỉnh thực hiện.
Theo PGS Đỗ Minh Khôi (Trưởng bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Đại học Luật TP HCM), quy định trên tạo sự tham gia của xã hội vào việc biên soạn, thu hút được nhiều nguồn lực xã hội và tạo sự cạnh tranh về chất lượng, tạo cơ hội cho xã hội giám sát hoạt động này. Tuy nhiên, xác định tiêu chí để đánh giá chất lượng sách giáo khoa là một việc quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, người học, giáo viên mà còn ảnh hưởng tới xã hội.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định rõ ràng trong việc tổ chức thực hiện luật liên quan đến sách giáo khoa phổ thông", ông đề xuất.