Sáng 29/10, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội, gồm 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Đây là một trong những nội dung của đề án tổ chức chính quyền đô thị ở thủ đô.
Theo đó, đối với chính quyền ở đô thị (khu vực nội thành, nội thị), Hà Nội sẽ thí điểm mô hình chính quyền 2 cấp, cấp thành phố và các quận, thị xã gồm HĐND và UBND; tại phường thì tổ chức chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND mà chỉ có cơ quan hành chính là UBND) để thực hiện quản lý nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công.
Với chính quyền ở nông thôn (huyện, xã), Hà Nội giữ nguyên mô hình tổ chức các cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tán thành với chủ trương thí điểm nêu trên, song đề nghị phải thiết kế lại chức năng HĐND quận, tăng số lượng đại biểu HĐND ở cấp này để thực hiện chức năng đại diện cho người dân ở tất cả các phường.
"Khi không còn HĐND cấp phường, thành phố cần thiết lập thêm đường dây nóng để người dân ở các phường có điều kiện phản ánh bức xúc; thiết kế cơ quan chức năng để họ tiếp cận dễ dàng, giải quyết đơn từ, khiếu nại được nhanh chóng", ông Nghĩa nói.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị lãnh đạo TP HCM lên tiếng để "thành phố cũng được thí điểm bỏ HĐND cấp phường như Hà Nội, bởi TP HCM là thành phố lớn, đại diện cho phía Nam, có tính đặc thù riêng".
Theo bà Tâm, TP HCM cũng từng xây dựng đề án chính quyền đô thị khá hoàn chỉnh và đã trình tới cấp Bộ Chính trị, vì vậy nên để hai thành phố lớn cùng thí điểm.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng ủng hộ thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội. Theo ông, quản lý ở chính quyền nông thôn theo địa bàn, lãnh thổ, khác với quản lý của đô thị cần theo ngành, lĩnh vực và bảo đảm tính tập trung, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt.
"Tôi tán thành thí điểm ở Hà Nội, và khi không tổ chức HĐND cấp phường thì tên gọi của UBND nên giữ nguyên, không cần thay đổi", ông Chính nói và cho rằng nếu làm sớm được chủ trương thí điểm này sẽ thuận lợi trong chuẩn bị công tác cán bộ.
Theo quan điểm của Trưởng ban Tổ chức Trung ương, không nhất thiết cơ quan, địa phương nào cũng có bộ máy giống nhau, vì điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nơi là khác nhau. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết tinh giản bộ máy, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm tra.
"Không thể để bộ máy cồng kềnh như hiện nay", ông nói và cho hay chỉ cần giảm 1% chi tiêu thường xuyên là ngân sách có thêm hàng nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển.
Theo dự thảo nghị quyết, việc thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại những phường nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc. UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập.
Hoàng Thuỳ - Anh Minh